Đọc thơ, thêm yêu quý tác giả
Nguyễn Thế Kỷ là một chính khách, nhà quản lý. Ông nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Ông đã làm tốt mọi nhiệm vụ, chức năng được giao. Thật đáng trân trọng. Nhưng không khiến tôi chú ý nếu ông không là tác giả một số tiểu thuyết và tác phẩm sân khấu có chất lượng được công chúng và giới văn nghệ sĩ ghi nhận: “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế”, “Hừng đông”, “Hoa lửa Truông Bồn”, “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”, “Ngàn năm mây trắng”, “Nợ nước non”,...
Sau khi đọc tiểu thuyết và xem một số vở diễn sân khấu kể trên của Nguyễn Thế Kỷ, tôi thấy cần điền tên anh kế tiếp những tác giả tiếng tăm hiếm hoi vừa sáng tác giỏi, nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, vừa làm quản lý tầm vĩ mô cũng đâu ra đấy.
Chưa gặp Nguyễn Thế Kỷ bao giờ, mới chỉ nhìn thấy ông một vài lần trên ti-vi, khi thì trả lời phỏng vấn, lúc phát biểu về một vấn đề gì đó, giọng nói của người xứ Nghệ thật ấn tượng, đặc biệt là ông nói năng lưu loát, chuyển tải những nội dung giàu lượng thông tin, trí tuệ. Ông lại sở hữu một gương mặt đầy đặn, trông đôn hậu với nụ cười tươi, rất “chính diện” gây cho tôi thiện cảm. Điều đó khiến gần đây, có việc đến Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, tôi ghé vào thăm ông. Ngay phút đầu, Nguyễn Thế Kỷ đã nhận ra tôi và rất cởi mở, hồ hởi nói chuyện. Lần đầu tiên gặp mặt mà cứ như quen thân từ lâu, nay gặp lại. Mọi chuyện về sáng tác, công việc, rồi quê hương, gia đình... được ông nói thật cởi mở, chân tình. Ông tặng tôi tập thơ in đẹp, bắt mắt với cái tên cũng rất ấn tượng, rất thơ Về lại triền sông. Tôi về nhà, mở ra đọc một mạch hết luôn cả tập thơ.
Cuốn sách "Về lại triền sông" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ
Có một tình trạng chắc nhiều người cũng như tôi đã gặp, đó là được rất nhiều người tặng sách, trong đó có quá nhiều tập thơ. Ta chỉ đọc một vài bài đầu, thậm chí là chỉ một bài, có khi chỉ vài câu đã dừng lại, không đọc tiếp vì thấy mất thời gian, không hy vọng tác giả có gì khác hơn. Nhưng thi thoảng cũng gặp những trường hợp quý là ngược lại, càng đọc thêm, càng thấy nhiều bài, nhiều câu hay, tác giả có những cung bậc biểu hiện rất đáng trân trọng. Thơ của Nguyễn Thế Kỷ ở vào trường hợp này.
Ngồi nói chuyện với Nguyễn Thế Kỷ chừng một giờ đồng hồ, trước đó, đọc và xem tiểu thuyết, kịch của ông, tôi đủ giữ được một ấn tượng về ông. Con người tác giả thế nào thì thơ đúng như thế. Đó là những tình cảm rất bình dị, đôn hậu và nồng ấm. Là một người hoạt động chính trị, có những chức vụ khá to nhưng Nguyễn Thế Kỷ không khiến mọi người thấy ông thể hiện sự rao giảng hay tuyên ngôn tư tưởng, chính kiến của mình bằng một giọng điệu mang tính giáo huấn mà những người như ông nếu làm thơ, dễ mắc phải. Ông quan tâm, rung động những chi tiết của đời thường trong tình cảm đối với những gì bình dị, gần gũi, thân thương nhất liên quan đến những kỷ niệm về quê hương, những người ruột thịt gắn bó. Ông nói lòng mình thật chân thành, đáng yêu:
“Quê ạ, ta như người lạc bước
Giữa ồn ào phố thị bon chen
Chốn phù hoa người xa kẻ lạ
Vẫn sắt se góc ruộng, ao làng”.
Rõ ràng, công việc, sự nghiệp của ông có những bước tiến, thành công chủ yếu ở cái chốn “ồn ào phố thị” đó. Vậy mà ông thấy như mình bị “lạc bước”. Thì ra đó cũng chỉ là sự ngẫu nhiên của số phận mặc dù là kết quả của sự phấn đấu không nhỏ, thật xứng đáng, chứ không phải sự may mắn trời cho như nhiều người khác. Ta thấy cái con người có vẻ như của công việc, của những hội nghị lớn, của những kế hoạch, chủ trương liên quan đến nhiều người như ông lại chứa chất bao nỗi niềm luôn canh cánh trong lòng về nơi có “góc ruộng, ao làng” đến mức “se sắt”. Từ này xuất hiện ở văn cảnh này thật đắt. Người đọc thấu hiểu hết tâm trạng sâu kín, thật nhất của ông chỉ qua từ “se sắt” này.
Ở đời, sung sướng, vinh hoa dễ quên quá khứ bần hàn, quên người xưa cùng thời nghèo khó, ít nhất là cũng “hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều” như cô thôn nữ sau một lần ra tỉnh trong thơ của Nguyễn Bính xưa. Với Nguyễn Thế Kỷ, quê hương có lẽ là tất cả, là chốn bắt đầu, cũng là nơi kết thúc:
“Bao buồn vui, hợp tan, thành bại
Hồn quê như cây cỏ, đất đai
Ngay cả khi về cùng cát bụi
Hoá dòng sông thao thiết, rộng dài”.
Nguyễn Thế Kỷ không thêu câu, dệt chữ. Ông không bận tâm nhiều đến kỹ thuật làm thơ, đến tìm tòi từ ngữ sao cho mới lạ, cho thật “ấn tượng” nhưng cứ đọng lại mãi một tình cảm thật sâu nặng, không dễ phai nhạt trong tâm khảm người đọc bởi tấm lòng ông dành cho quê mình đã chạm được đến tình cảm của họ. Cảm động biết bao khi ông đưa con mình về thăm quê hương và nhắn nhủ qua bài Quê mình với những lời thật gan ruột, không nặng tình với quê, không thể viết được ra:
“Quê mình là vậy đó con ơi
Bát cơm con ăn, ân tình con gặp
Mùi chua của bùn, vị nồng của đất
Với cha, quý hơn cả bạc vàng”.
Nhân hậu biết bao và thật vô cùng tử tế những người con của quê hương như tác giả lúc nào cũng đau đáu ân huệ với nơi chôn nhau, cắt rốn của mình:
“Đất quê mình nâng bước cha đi
Để có con hôm nay trở lại
Như sông suối về nơi biển ấy
Lại góp mưa xanh ngát mạch nguồn”.
Đọc thơ của Nguyễn Thế Kỷ, bỗng trong tôi lại vang lên âm điệu bài hát Về quê của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương với những ca từ bình dị mà sâu sắc, không dễ viết ra: “Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?”. Một câu hỏi mà đã hàm chứa câu trả lời, khẳng định: Nếu không có quê hương, ta sẽ bơ vơ, chơi vơi bởi chẳng có nơi nào trụ lại cho tâm hồn, cho cuộc đời ta. Ở đây có sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa tác giả bài thơ đang bàn và người cố nhạc sĩ có những bài hát để đời.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ
Ngoài mảng thơ thấm đẫm tình yêu, thương, nhớ quê hương, Nguyễn Thế Kỷ còn những bài viết về những người ruột thịt với tình cảm thật dung dị, đằm thắm như cha, mẹ, các con, cháu, dì, bác, họ hàng... Những bài viết về cháu là những bài thơ thật hay, thật ngộ: Ai xinh hơn, Bạn Na và bạn Ỉn, Cu Mía, Chào ông Hiện, Bắt đền... Qua những bài này, tác giả để lộ một năng lực làm thơ cho thiếu nhi mà ở nước ta chưa nhiều nhà thơ thực sự được các bạn đọc nhỏ tuổi ưa thích.
Trong khi nhiều người làm rất nhiều thơ, in cả chục tập, phát tán danh thiếp khắp nơi với danh xưng “thi sĩ” thì Nguyễn Thế Kỷ không nghĩ mình là nhà thơ. Thậm chí còn tự cho mình làm thơ chưa hay, thua kém nhiều người. Đáng yêu sao những lợi bộc bạch chân thành và cực kỳ khiêm tốn của ông ở Lời mở đầu tập thơ: “...Viết như thế, nhiều người viết mới hơn, hay hơn, đặc sắc hơn tôi...” và “Hay và dở, được và chưa được, đến lúc này, đã ở lại phía sau. Tôi trân trọng gửi đến quý vị và các bạn. Rất mong được sự thể tất và rộng lòng...” .
Đọc những lời này, không thể không trân trọng cách tư duy của ông. Tôi bỗng nảy ra câu hỏi trong đầu mình: Vậy thơ thế nào mới là hay đây? Ý tứ, câu chữ mới mẻ, tân kỳ đến chính người làm thơ cũng không giảng giải được thơ của mình cho người đọc hiểu là nghĩa làm sao? Sao lại đề cao sự “mới mẻ” như vậy”? Không soi vào thơ của Nguyễn Thế Kỷ để tìm ra đâu là thi pháp, những kỹ thuật làm thơ ra sao, cấu tứ, gieo vần, tạo nhịp điệu, câu chữ thế nào... để làm gì. Chỉ biết đọc thơ ông, tất cả cứ đọng lại mãi trong tôi một tình cảm thật trong sáng, có thể nói là thánh thiện về quê hương, đất nước, về tình người nhân văn cao cả. Thấy yêu mến tác giả và yêu thơ thêm – một thể loại văn học mà trước đây do đọc phải quá nhiều thơ dở mà bỗng trở nên... chán ghét thứ rất cao sang, tao nhã này.
Tiểu thuyết "Suối Cọp" của nhà văn Hữu Ước được bạn đọc đón nhận hào hứng nồng nhiệt. Một năm mà phải tái...
Bình luận