Hoàn cảnh ra đời một bài hát
Cách đây 42 năm, vào ngày 30/8/1983, Tỉnh ủy tỉnh Cửu Long ban hành Nghị quyết số 177/NQ -TU về việc thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cửu Long. Nghị quyết nêu rõ trong khi chưa tiến hành đại hội để bầu cử Ban chấp hành và các cơ quan của hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định Ban chấp hành lâm thời và Ban biên tập Báo Văn nghệ Cửu Long. Đồng chí Huỳnh Anh Kiệt (nhạc sĩ Xuân Điền), Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, được phân công làm Hội trưởng, kiêm Tổng biên tập Báo Văn nghệ Cửu Long (nay là Tạp chí Văn nghệ Cửu Long); đồng chí Nguyễn Chiến Thắng (nhà thơ Sao Vàng), Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin - Phó hội trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Ninh (nhạc sĩ Kiên Tâm) - Phó hội trưởng, kiêm Tổng thư ký cùng 9 đồng chí ủy viên Ban chấp hành là những văn nghệ sĩ tiêu biểu trên các lĩnh vực văn, thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, múa.
Nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long nhớ lại: Sau khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cửu Long được thành lập và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, thông qua đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách Trưởng ban Tuyên huấn, với thành phần nòng cốt là những văn nghệ sĩ, trí thức đã được rèn luyện trong kháng chiến chống Mỹ và có chuyên môn trong các lĩnh vực văn hóa văn nghệ của tỉnh sau ngày giải phóng. Nhiệm vụ của ông cùng các đồng chí trong ban lãnh đạo Hội là bắt tay vào việc kiện toàn tổ chức, vận hành bộ máy, tìm người có năng khiếu về văn hóa văn nghệ để đẩy mạnh phong trào sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Đây cũng là thời điểm tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước và của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thử thách do hậu quả chiến tranh, do địch bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới xảy ra ở 2 đầu đất nước… tình trạng một số người người rời bỏ quê đi vượt biên diễn ra khá phổ biến.
Sông Tiền chảy ngang thành phố Vĩnh Long. Ảnh: Trần Thắng
Khoảng năm 1985, trong một lần nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt đi công tác xuống thị xã Trà Vinh, tỉnh Cửu Long, khi xe chạy ngang một con phố, người bạn “thổ địa” ngồi cùng xe chỉ tay về một người đàn ông nằm ở vỉa hè và nói:
Ông đó là một nhạc sĩ khá nổi tiếng của Sài Gòn, ông ta sáng tác nhiều ca khúc theo giai điệu bolero trữ tình nghe “đã” lắm anh Ba!
Đồng chí Ba Kiệt liền bảo tài xế dừng xe, bước xuống hỏi thăm người nhạc sĩ nằm vất vưởng ở góc đường. Chỉ sau vài câu trao đổi, lập tức “tần số” giữa 2 nhạc sĩ được kết nối. Đồng chí Ba Kiệt liền mời người nhạc sĩ trong bộ dạng gầy ốm, đeo kính cận, cùng túi hành trang nhẹ tênh bước lên xe. Lúc này cũng khá trưa ông liền bảo tài xế chạy đến một quán cơm để giải quyết chuyện bao tử trước đã.
Cơm nước xong xuôi, đồng chí Ba Kiệt nhìn thẳng người nhạc sĩ và nói nghiêm túc: Thôi vượt biên chi nữa anh, về với chúng tôi lo viết nhạc cho quê hương xứ sở mình nhé!.
Nhận được cái gật đầu của người nhạc sĩ vừa mới gặp buổi sơ giao. Ngay chiều tối hôm đó khi xe về tới thị xã Vĩnh Long, đồng chí Ba Kiệt liền báo cáo sự tình cho lãnh đạo tỉnh về ý định Hội Văn nghệ sẽ thu nhận người nhạc sĩ đã từng 3 lần vượt biên, trong thời chiến tranh có một số ca khúc viết về lính chế độ Sài Gòn… để tiếp tục sử dụng người có tài năng trong hoạt động sáng tác trên lĩnh vực âm nhạc.
Đề đạt với lãnh đạo về việc dùng người nhạc sĩ đã từng bị bắt vào trại vì vượt biên, từng có những ca khúc viết về người lính chế độ cũ…, nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt cũng đã chuẩn bị sẵn tâm thế sẽ bị “lãnh đạo la rầy”. Nhưng trái với dự đoán của ông, sau một chút đắn đo, cuối cùng vị lãnh đạo tỉnh đã gật đầu đồng ý cho Hội Văn nghệ nhận người nhạc sĩ phục vụ công việc chung, nhằm tăng cường sự đoàn kết, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ xa gần phục vụ nhiệm vụ cách mạng.
Nghe qua đồng chí Ba Kiệt như cởi mở tấm lòng, tiếp tục đề xuất: Nếu lãnh đạo đồng ý nhận người thì hãy lo giúp dùm luôn chuyện ăn, chuyện ở. Thế là một đề nghị được gửi lên Sở Tài chính, xét duyệt chế độ đời sống, sinh hoạt cho người nhạc sĩ trong thời kỳ tem phiếu.
Khi được nhận vào Hội Văn nghệ, người nhạc sĩ được bố trí ở trong một căn phòng nhỏ trong dãy nhà tập thể, mái lợp bằng lá, vách ngăn làm bằng mê bồ tại số 6 Hưng Đạo Vương, Phường 1, thị xã Vĩnh Long. Ông nhạc sĩ là người bị cận thị, mắt không rời cặp kính, còn hơi thở khò khè do mắc bệnh suyễn kinh niên, nhưng ông có lối sống khá ngăn nắp, thích chỉn chu, hằng ngày ông tự nấu nướng và khác với một số văn nghệ sĩ cùng sống chung khu tập thể - ông không uống rượu, bia mà chỉ thích lê la ngoài phố, đi lang thang đầu đường, ngõ hẻm, tiếp xúc nhiều người để hỏi han tìm hiểu sự đời…
Họa sĩ Bửu Lộc, hiện là hội viên Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Vĩnh Long nhớ lại: Lúc ấy chú Ba Kiệt giao nhiệm vụ cho tôi là quan tâm giúp đỡ ông nhạc sĩ để ông ấy khỏi bơ vơ khi mới chân ướt, chân ráo về Hội. Thỉnh thoảng tôi cùng ông nhạc sĩ đi vòng quanh phố chợ Vĩnh Long, gặp gỡ giao lưu bạn bè, tìm hiểu về địa phương... những khi nắm được trong nhà nhạc sĩ hết gạo, tôi liền báo cho đồng chí Ba Kiệt. Ông Hội trưởng Hội Văn nghệ liền lập tức ra tay “viện trợ” - chạy xe Honda đến khu nhà tập thể chở theo một túi gạo, kèm theo một bao thơ nho nhỏ để người nhạc sĩ khỏi vấn vương chuyện ăn uống hàng ngày mà yên lòng sáng tác.
Vào một buổi sáng, người nhạc sĩ ngồi trước cửa căn phòng tập thể của mình, ông nhìn trời, nhìn đất, ngó mông lung ra đường. Lúc này ngoài hàng rào cạnh cổng Hội Văn nghệ có trồng 3 cây dừa, nhìn nắng sớm chiếu lên mấy tàu dừa đung đưa trong gió, người nhạc sĩ bất chợt vỗ tay và nói: Hay… hay… Nắng mai non nắng đỗ tàu dừa… và xé vội một tờ lịch lúi húi viết. Những ca từ cứ thế tuôn chảy như dòng sông Cửu Long cuồn cuộn chảy ngoài kia (con sông Tiền chỉ cách khuôn viên Hội Văn nghệ chừng 200m). Bài hát có đoạn mở đầu: Em về đó biển xanh đất rộng. Hương phù sa đổ chín cửa sông. Nơi em qua đất nở lời yêu. Lúa nhớ em thật nhiều. Từ say ngất giọng hò chiều…
Nghe đến đây chắc người đọc đã biết tên bài hát lẫn tên tác giả của một ca khúc được sử dụng làm chủ đề cho các kỳ Liên hoan âm nhạc khu vực đồng bằng sông Cửu Long - đó là ca khúc Chín dòng sông hò hẹn của nhạc sĩ Trúc Phương (1933 - 1995).
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Như đã nói ở phần trên khoảng giữa năm 1985, sau lần gặp gỡ tình cờ với ông Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cửu Long, nhạc sĩ Trúc Phương được nhận về đây công tác và được bố trí một căn phòng nhỏ tại khu tập thể Hội.
Sông Tiền chảy ngang thành phố Vĩnh Long. Ảnh: Trần Thắng
Thời gian này ông sáng tác một số ca khúc về tình yêu, về quê hương xứ sở như Chiều phố huyện, Hoa sách về xa, Về An Quảng Hữu... Tuy nhiên ở giai đoạn này, ca khúc Chín dòng sông hò hẹn của ông được chú ý nhiều nhất với những ca từ chắt lọc, tinh tế mà sâu lắng, gần gũi và sau đó bài hát với giai điệu êm đềm, tha thiết được chọn làm tên cho chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng hằng năm của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Sau vài năm ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cửu Long, ông quay trở về Sài Gòn sinh sống. Nhiều người gọi nhạc sĩ Trúc Phương là “Ông hoàng Bolero” nhưng cái nghèo, cái khó vẫn luôn theo “Ông hoàng” không chịu rời xa như đôi kính cận thị và căn bệnh suyễn đeo bám người nhạc sĩ tài hoa đến tận cuối đời.
Ngày 18/9/1995, ông từ giã cõi trần ai tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 62 tuổi, để lại cho đời trên 70 ca khúc. Nếu lượt bớt một số ca khúc viết về người lính chế độ cũ, còn lại đa số tác phẩm của ông viết về quê hương xứ sở về cuộc đời, về thói đời về tình yêu hạnh phúc lẫn chua chát, vỡ tan vì nhân tình, thế thái… nên dễ đi vào lòng người.
Ngày nay mỗi dịp chạy xe ngang qua Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, mặc dù không còn những cây dừa là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác, nhưng tôi nghe xa xa ngoài kia đang vọng về tiếng sóng của dòng sông Cửu Long đang chảy êm đềm qua thành phố Vĩnh Long trong ánh nắng bình minh thật đẹp.… Dòng sông con nghiêng nghiêng bóng nhớ. Nắng mai non nắng đỗ tàu dừa…

Các ca khúc viết về mùa xuân, cùng với giai điệu nhạc, ca từ bao giờ cũng có một vị trí xứng đáng tác động đến các...
Bình luận