Hoàng Vân và “Hò kéo pháo”
Nếu ai từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ hẳn sẽ không quên một công việc rất đỗi nặng nhọc nhưng sôi nổi, hào hứng. Đó là kéo pháo vào trận địa. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, chúng ta chủ trương dùng sức người để kéo pháo. Công việc này đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ, sự đồng tâm nhất trí cao độ. “Hai, ba nào! Hai, ba nào!”. Những tiếng hô vang - tín hiệu của sức mạnh và niềm tin được cất lên.
Khi ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân có mặt ở Điện Biên Phủ với tư cách một chiến sĩ thực thụ như bao anh lính Cụ Hồ khác và tham gia kéo pháo cùng các chiến sĩ. Ông đã tận mắt chứng kiến hành vi hy sinh quả cảm của Tô Vĩnh Diện: Lấy thân mình làm chiếc chèn để cứu pháo cho khỏi lăn xuống vực thẳm. Vô cùng cảm kích, khâm phục, lại muốn cổ vũ tinh thần hiệp đồng kéo pháo của đồng đội, Hoàng Vân nảy ra ý tưởng sáng tác một bài hát mang tính tập thể, có xướng, có xô.
Ông nhớ đến câu xướng: “Tình bằng ai ơi! Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần đánh giặc còn cao hơn đèo...”. Nhưng bài hò dân gian này có âm điệu rất cổ, gợi lên dáng dấp sinh hoạt của một thời xa xưa. Hoàng Vân thấy cần tạo nên một bài hò mới, trên chất liệu dân tộc nhưng phải mang rõ nhịp điệu lao động mới mẻ, khẩn trương của một số đông người.
Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Và buổi tối nọ, ngồi trong một lán nhỏ, phải trùm chăn vì muỗi rừng nhiều như trấu, đốt đau như ong châm, những nốt nhạc đầu tiên được hình thành. Cảnh kéo pháo nặng nhọc, khẩn trương được thực hiện bởi những người lính đang sục sôi chí căm thù giặc và một khát vọng gẫy khúc và nhảy quãng liên tục. Đối với ông chưa bao giờ những trường hợp âm 3 bị lãng quên. Vậy mà lần này trong ông không hề vang lên âm điệu của những hòa âm quãng 3. Sau một thời gian chừng 3 giờ đồng hồ - tác giả hoàn thành khá nhanh bài hát. Ông cho biết ban ngày kéo pháo vất vả, đến đêm, các chiến sĩ ngủ rất say nhưng Hoàng Vân không ngủ vì trong đầu đã vang lên những âm điệu đầu tiên của bài hát. Thế là ông vùng dậy, sáng tác bên ngọn đèn dầu tù mù, lại phải che lại để đồng đội ngủ.
Hò kéo pháo đã ra đời mang dáng dấp một bài hò hiện đại, vừa có xướng, vừa có xô, rất phù hợp với không khí kéo pháo khẩn trương, sôi động, gian khổ, vất vả nhưng thoải mái, hân hoan: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”.
Tác giả đã viết Hò kéo pháo bằng bút pháp khá phóng túng. Đây có thể coi là ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc khá đồ sộ của ông về cả số lượng lẫn chủng loại, chất lượng các tác phẩm.
Về lĩnh vực ca khúc, ông cũng là nhạc sĩ có bản sắc riêng với cá tính sáng tạo khá độc đáo, đặc sắc. Một trong những điểm tạo nên cái duyên của ông là sự kể - nhiều khi khá dài dòng, tỉ mỉ - vốn dĩ không thích hợp trong thể loại ca khúc. Vậy mà ở ông, người ta vẫn bị thuyết phục. Ngay ở Hò kéo pháo - một ca khúc ra đời năm ông mới 23 tuổi đã báo hiệu cái đặc điểm “kể lể” ấy. Có thể coi bài hát ở thể 2 đoạn, nhưng mỗi đoạn đều có sự mở rộng khá thoải mái, không bó hẹp, nệ vào khuôn mẫu cố định nào. Chính sự “phá cách” về hình thức kết cấu, bố cục này cộng với việc tránh những quãng 3, dùng nhiều quãng 4 đi lên và đi xuống đã góp phần tạo nên tính chất hào sảng của bài hát - một đặc điểm rất cần có ở một ca khúc quần chúng nhằm vào mục đích cổ vũ, động viên tinh thần số đông người.
Một đặc điểm dễ nhận thấy ở nghệ thuật sáng tác bài này là tuy tác giả không quên nhắc đến sự vất vả, cực nhọc của một hoạt động rất nặng, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực đến mức phải cắn răng, đem hết sức bình sinh mới có thể hoàn thành công việc nhưng lại luôn toát lên vẻ vui tươi, lạc quan của người trong cuộc. Những “vai ướt đẫm, sương đêm cùng mồ hôi” và những “lửa nóng trong bom đạn bốc cháy chung quang ta rồi”, rồi những “vực sâu thăm thẳm” v.v., vẫn phải lùi bước trước những chiến sĩ luôn phơi phới, nức lòng luôn “tin chắc thắng, ta tin tưởng ở trên” và hò reo thắng lợi: “Tới đích rồi! Đồng chí pháo binh ơi. Vinh quang thay sức người lao động. Hò dô ta kéo pháo ta vượt qua đèo, thề quyết tâm bắn tan đồn thù...”.
Lâu nay chúng ta vẫn theo đuổi một lý luận trong phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa: Hiện thực phải hòa quyện với lãng mạn. Cả hai yếu tố này đã thấm đượm trong Hò kéo pháo, tạo nên một giá trị vĩnh hằng – điều mà khi cầm bút sáng tác cách đây 71 năm (ra đời năm 1953), chưa hẳn tác giả đã chủ tâm.
Sinh thời, Hoàng Vân đã phàn nàn với tôi: Hầu như mọi ca sĩ khi thể hiện bài này đều nhấn mạnh nhiều để làm nổi rõ tính chất hào hùng, gân guốc, mạnh mẽ. Điều này đúng, cần thiết. Nhưng đã quên tính chất lạc quan, thoải mái, phơi phới (tuy công việc kéo pháo rất nặng nhọc, vất vả) trong tâm lý của các chiến sĩ kéo pháo lúc ấy. Điểm nữa là hát kết bài không như ông sáng tác. Ông kết ở câu: “Lòng quyết tâm sắt gang nào bằng, hò ơi!”. Nhưng ai cũng hát là “quyết chiến, quyết thắng” và ngân ở âm khu cao (nhấc lên quãng 8). Ông nói là cả bài suốt từ đầu tới cuối đã mạnh mẽ, “bốc” rồi. Kết mà nhấc cao giai điệu sẽ không đắt.
Nhạc sĩ Hoàng Vân
Hoàng Vân (1930 -2018) có tên thật là Lê Văn Ngọ, quê ở Hà Nội. Sau hòa bình lập lại (1954), ông được nhà nước cử sang Trung Quốc học sáng tác âm nhạc. Về nước, ông có nhiều năm chỉ huy dàn nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó chuyển sang công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam và về nghỉ hưu tại đây.
Hoàng Vân là nhạc sĩ đa năng, toàn diện: Sự nghiệp của ông đồ sộ cả trong hai lĩnh vực thanh nhạc (ca khúc, hợp xướng) và khí nhạc (nhạc không lời). Ông chỉ huy nhạc cũng rất thành thạo và viết lý luận cũng hay.
Phong cách âm nhạc của ông là dựa trên những chất liệu dân gian, truyền thống để tạo nên ngôn ngữ hiện đại. Ông là nhạc sĩ sáng tác khỏe, nhiều về số lượng, song, số tác phẩm có chất lượng cao, giá trị sâu sắc về tư tưởng và thẩm mỹ chiếm tỷ lệ rất đáng kể. Ông đề cập tới rất nhiều khía cạnh của cuộc sống thời chiến cũng như thời bình. Là nhạc sĩ viết tình ca cũng đặc sắc mà sáng tác những ca khúc sục sôi chiến đấu, mịt mù khói lửa cũng hay.
Hoàng Vân rất đa dạng về cả bút pháp lẫn chủng loại. Tóm lại, ông là một tài năng rất quý hiếm trong làng nhạc sĩ Việt Nam hiện đại. Ngoài Hò kéo pháo, ông còn nhiều ca khúc rất nổi tiếng như: Hà Nội – Huế – Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi!, Tình ca Tây Nguyên, Hát về cây lúa hôm nay, Tình yêu của đất và nước, Tâm tình người thủy thủ, Hai chị em, Bài ca giao thông vận tải…
Binh chủng pháo binh Việt Nam đã không ngừng phát triển và phát huy tác dụng lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau Hò kéo pháo, từng ra đời nhiều bài hát về binh chủng pháo kể cả Hoàng Vân sau này cũng có bài Bài ca pháo kích viết về pháo cao xạ, nhưng vẫn không thể vượt qua được Hò kéo pháo. Đó là một vinh quang không dễ gặt hái được đối với bất kỳ người sáng tác nào.
Trong quá khứ, đấu tranh thống nhất nước nhà đã từng là đề tài lớn của nền văn nghệ nước ta một thời khiến trái...
Bình luận