“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại

Được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của không gian được mệnh danh là “thánh đường tri thức”, 18 nghệ sĩ đã biến tòa nhà Đại học Tổng hợp thành một “thánh đường” triển lãm mang tên “Cảm thức Đông Dương” với 22 tác phẩm trưng bày và sắp đặt ánh sáng. Đây là các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại.

Đối thoại với “thánh đường tri thức”

Tòa nhà “Đại học Tổng hợp”, tiền thân là Viện Đại học Đông Dương và nay là một cơ sở của Đại học Quốc gia Hà Nội tại 19 Lê Thánh Tông vốn là địa điểm không xa lạ gì đối với giới trẻ và người dân Thủ đô.

“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại - 1

Tòa nhà "Đại học Tổng hợp" (ảnh chụp đầu thế kỷ 20). Ảnh tư liệu

Công trình do kiến trúc sư người Pháp là Ernest Hébrard thiết kế năm 1926 và đến nay, sau gần 100 năm xây dựng, công trình vẫn giữ nguyên vẻ ngoài cổ điển với màu sơn trầm vàng quen thuộc, cảnh cửa sắt uy nghiêm, cạnh những bóng xà cừ cổ thụ. Sảnh hội trường chính được lát đá với gam màu hút mắt, mái vòm cao và cửa chính được thiết kế hoa sắt độc đáo. Nhiều hoa văn của công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương khi kết hợp kiến trúc kinh viện Châu Âu với các thành phần và giải pháp kiến trúc bản địa để phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa và vật liệu, tay nghề thợ Việt Nam thời kỳ đó.

“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại - 2

Vòm trần của tòa nhà đậm chất kiến trúc-mỹ thuật Đông Dương.

Tháng 11 năm 2013, công trình được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đưa vào danh mục các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội tiền thân là Đại học Tổng hợp Hà Nội còn được mệnh danh là “Thánh đường tri thức” khi nơi này không những lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà còn là nơi đào tạo ra rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu cả nước.

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, cụm tòa nhà “Đại học Tổng hợp” của Đại học Quốc gia Hà Nội tại 19 Lê Thánh Tông là nơi diễn ra nhiều hoạt động, tập trung vào hội thảo, tọa đàm, trưng bày – triển lãm, tour tham quan. Đặc biệt, tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” được coi như một đại triển lãm với 22 tác phẩm trưng bày, sắp đặt ánh sáng khác nhau.

“Thánh đường tri thức” trở thành không gian sắp đặt nghệ thuật độc đáo

Triển lãm “Cảm thức Đông Dương” sẽ trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại, là một điểm nhấn rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh và âm thanh và những tương tác không cần và không thể diễn đạt bằng ngôn từ. Tổ hợp triển lãm chính là cuộc đối thoại với chính công trình di sản này.

“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại - 3

Công chúng tham quan triển lãm.

Sảnh chính tòa nhà là sự giao hòa của ánh sáng, tương tác và ánh xạ lên tác phẩm điêu khắc, hội họa được sắp đặt có chủ đích từ sàn tầng 1 lên mái vòm hai lớp với kiến trúc kiểu thức tân cổ điển kết hợp các hoạ tiết trang trí lấy cảm hứng từ Đông Dương.

Bước vào sảnh là tác phẩm sắp đặt ánh sáng của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế tại các ô cửa kính trên vòm tường nơi cửa chính, gợi nhớ lại những ý niệm đầu tiên của thiết kế hoa sắt lấy cảm hứng hình ảnh những chiếc bóng đèn như tượng trưng cho ánh sáng của tri thức.

“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại - 4

Thiết kế hoa sắt lấy cảm hứng hình ảnh những chiếc bóng đèn như tượng trưng cho ánh sáng của tri thức.

Hai tác phẩm tượng chân dung họa sĩ Victor Tardieu (Hiệu trưởng đầu tiên sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương vào năm 1924) và họa sĩ Tô Ngọc Vân (Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của trường Mỹ thuật Việt Nam thuộc Đại học Việt Nam vào năm 1945) của điêu khắc gia Trần Quốc Thịnh được đặt trong sảnh như nét gạch nối lịch sử khi tương tác với tượng 2 nhà khoa học Nguỵ Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm (được dựng sau này thời Trường Đại học Tổng hợp).

Lên cao trên mái vòm là cụm các tác phẩm trang trí với đèn chùm của kiến trúc sư Lê Phước Anh, tác phẩm sắp đặt bia tiến sĩ trên chất liệu mika dẫn sáng có khắc chìm gợi cảm hứng bức đồ án thiết kế trang trí toà nhà Đại học Đông Dương của kiến trúc sư Ernest Hebrard. Kết thúc ở vòm trần là tác phẩm trình chiếu 3D mapping của hoạ sĩ Phạm Trung Hưng vẽ lại hình 2 con chim phượng hoàng đã bong mờ theo thời gian.

“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại - 5

Trên mái vòm của tòa nhà là cụm các tác phẩm trang trí.

Sự sắp đặt liên kết các tác phẩm giữa toàn bộ chiều sâu lên trên mái của sảnh chính là một đại tác phẩm lộng lẫy, gợi mở cái nhìn sâu sắc, độc đáo về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương và Việt Nam từ quá khứ đến đương đại.

Bên cạnh đó, trong hội trường Ngụy Như Kon Tum, bên trái sảnh chính là tác phẩm sắp đặt, hòa nhạc video Đại tượng 2 - Sơn Hà Diễn Nghĩa của các nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải, Ngô Thu Hương, các nghệ sĩ âm thanh như piano Trần Thu Thảo, violin Nguyễn Ngọc Đức và Trịnh Quang Thành.

Cũng trong khán phòng này, lần đầu tiên, tác phẩm sắp đặt video art phỏng dựng bức tranh sơn dầu Thăng Đường Nhập Thất - được đặt theo tên tiếng Hán ghi trên cổng tam quan với ý nghĩa đề cao sự học trong bức tranh của hoạ sĩ Victor Tardieu, được vẽ lại vào năm 2006, đang trưng bày ở đây.

“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại - 6

Bên trong hội trường Ngụy Như Kon Tum.

Tại các tầng trên cao, với các tác phẩm vẽ sơn trong trên mika của họa sĩ Lê Đăng Ninh lấy cảm hứng từ các mẫu lọ thuỷ tinh trong phòng Bảo tàng nghiên cứu sinh vật học, kết hợp sắp đặt âm thanh của nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn trên vòm mái lầu 3 của tòa nhà, đem đến trải nghiệm đa giác quan trong một cảm thức quá khứ đang dội về.

Dọc tuyến đường trải nghiệm sẽ là các tác phẩm điêu khắc, đất nung, đặc biệt là sắp đặt sách nghiên cứu hồi cố về họa tiết mỹ thuật Đông Dương, các tác phẩm nhiếp ảnh chụp kiến trúc Đông Dương của nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú, cụm tác phẩm nhiếp ảnh phim kính từ kỹ thuật chụp máy ảnh phim khổ lớn được sản xuất từ đầu thế kỷ 20 của hoạ sĩ Phạm Duy..…và sắp đặt book art trên lầu vòm với các bản in khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Thành Vinh về cuộc đối thoại - trong tưởng tượng - giữa họa sĩ Victor Tardieu và kiến trúc sư Ernest Hebrard.

“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại - 7

Sắp đặt sơn mài ở các mặt đứng bậc cầu thang của họa sĩ Trương Hoàng Hải.

“Cảm thức Đông Dương” còn có các cụm tác phẩm trưng bày ở hành lang và bên trong Bảo tàng sinh vật học, những tranh lụa vẽ hóa thạch côn trùng và động vật của họa sĩ Nguyễn Thu Thảo, cụm sắp đặt tranh giấy dó và tranh lụa của Nguyễn Cẩm Nhung, sắp đặt ánh sáng bằng giấy tương tác với các mẫu vật ở bảo tàng của tác giả Phạm Thuỷ Tiên, sắp đặt sơn mài ở các mặt đứng bậc cầu thang của họa sĩ Trương Hoàng Hải, trưng bày sắp đặt các kết quả nghiên cứu tranh thêu thời Đông Dương của họa sĩ Phạm Ngọc Trâm, và các tác phẩm gốm men lam lấy cảm hứng từ các đồ án mỹ thuật trang trí của họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, tác phẩm sắp đặt book art bằng sơn mài và giấy dó tương tác trong bảo tàng thực vật của họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Giang và Nguyễn Thị Trang…

“Đánh thức” không gian kiến trúc trăm tuổi bằng nghệ thuật đương đại - 8

“Cảm thức Đông Dương” là một tổ hợp đa sắc, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương. 

Tỏa ra bên ngoài tòa nhà là tác phẩm LETTERS - SCIENCES - ARTS (Văn chương - Khoa học - Nghệ thuật), lấy cảm hứng từ triết lý và định hướng đào tạo đa ngành, liên ngành của Đại học Đông Dương xưa. Đây đó trong khuôn viên trường, hành lang, sảnh tòa nhà… là những mô hình điêu khắc inox gương họa sĩ Victor Tardieu và kiến trúc sư Ernest Hebrard được sắp đặt tương tác ở các vị trí khác nhau. Các tác phẩm này của họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - người có thời gian dài nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật Đông Dương và lịch sử mỹ thuật Việt Nam 

“Cảm thức Đông Dương” là một tổ hợp đa sắc, tập hợp những sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà thiết kế, các tác phẩm nghệ thuật thị giác “phủ kín” sảnh chính của tòa nhà cho đến giảng đường, các mái vòm của tòa nhà… Các nghệ sĩ đã sử dụng nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại để “kể” những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương. Cảm thức Đông Dương – chính là cảm thức đã đặt nền móng cho nền kiến trúc, mỹ thuật và thiết kế hiện đại của Việt Nam.

Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” sẽ diễn đến hết ngày 17/11/2024.

Hương Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất