Không gian nghệ thuật – Cảm hứng từ đề tài phụ nữ

Những tác phẩm về đề tài phụ nữ xuất hiện trong không gian nghệ thuật đều ẩn chứa những ý nghĩa nhất định, đặc biệt đều có mối liên hệ mật thiết giữa người nữ và khởi nguồn của vũ trụ. Bên ngoài gai góc nhưng bên trong lại mang những dòng chảy mãnh liệt về tình yêu và hy vọng.

Không gian nghệ thuật – Cảm hứng từ đề tài phụ nữ - 1

Nhớ nguồn – Trần Thanh Song

Mỹ thuật hiện đại không dừng lại ở những vẻ đẹp phụ nữ trong môi trường dáng điệu thuần tuý… Các hoạ sĩ, nhà điêu khắc hết sức trân trọng, nâng niu cái đẹp thiên phú và đưa lên một tầm cao hơn, đó là vẻ đẹp của cái nết- cái lõi của tâm hồn xuất phát từ đức hạnh, đạo lý làm con gái, làm vợ, làm mẹ của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử giữ nước và dựng nước. Từ những vẻ đẹp gắn với chiến công của các anh hùng, liệt nữ cho đến những vẻ đẹp sôi động ngoài xã hội của các mẹ, các chị, các em, những hình tượng cao đẹp của người phụ nữ đã chiếm lĩnh và nở rộ trong vườn hoa nghệ thuật cách mạng Việt Nam. 

Không gian nghệ thuật – Cảm hứng từ đề tài phụ nữ - 2

Khát vọng thống nhất – Thế Hà (Nguyễn Hữu Song)

Từ các họa sĩ gạo cội đến thế hệ họa sĩ trẻ đều từng ưu ái sáng tác về đề tài phụ nữ theo cách riêng khác biệt trong phong cách, quan điểm nghệ thuật. Cũng bởi, phụ nữ không chỉ là một nửa thế giới, mà còn là thực thể khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo.

Có những tác phẩm đã nổi tiếng, ăn sâu vào ký ức của người yêu hội họa, như bức Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) của danh họa Tô Ngọc Vân, mô tả chân dung một thiếu nữ mặc áo dài trắng bên hoa huệ tây (hoa loa kèn) trắng muốt, tinh khôi. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân và cho cả nền mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20. 

Bức Em Thúy (1943) của Trần Văn Cẩn mô tả hình ảnh người cháu gái 8 tuổi của họa sĩ, bức tranh được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Văn Cẩn cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ 20. Bức tranh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013.

Thiếu nữ trong tranh Dương Bích Liên không sắc sảo, lộng lẫy, kiêu sa nhưng đều có tố chất riêng. Ông phản ảnh cái đẹp qua lăng kính của người nghệ sĩ trí thức: không thích cái đẹp rực rỡ, bên ngoài mà quý cái duyên lặng thầm bên trong.

Thiếu nữ trong vườn được họa sĩ Nguyễn Gia Trí hoàn thành năm 1939. Bức tranh là một mặt của tấm bình phong hai mặt với tám tấm vóc được ghép lại có kích thước 159x400cm. Không gian nghệ thuật là bảy nhân vật nữ ở nhiều lứa tuổi, khoác trên mình tà áo dài truyền thống đang dạo chơi trong vườn. Bên phải bức tranh là hình ảnh hai bé gái đang chơi đùa. Cầm trên tay đóa hoa đỏ, hai em chạy chơi trong khu vườn đầy nắng với dáng vẻ hồn nhiên, vui tươi của tuổi thơ.

Các họa sĩ đương đại đánh giá Nguyễn Sáng là một trong những danh họa vẽ chân dung thiếu nữ giỏi nhất. Ðiều đó được thể hiện ngay trong bức Thiếu nữ bên hoa sen (1972) của ông. Ở đây, thiếu nữ không còn e ấp, mà chống hai tay sang hai bên, đôi mắt to, khỏe khoắn nhìn ra xa. Ðó là hiện thân của một vẻ đẹp đầy sức sống, tự tin, không cam chịu.

Với mảng tranh lụa, danh họa Nguyễn Phan Chánh thật sự là người thành công với đề tài thiếu nữ. Những bức Chơi ô ăn quan; Lên đồng; Cô gái rửa rau; Em cho chim ăn... là những đỉnh cao trong nghệ thuật sáng tạo của ông. 

Những bức tranh chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh. Những đào lệch, đào thương, những cô gái soi gương chải tóc, những cảnh sinh hoạt sau hậu trường sân khấu của diễn viên khi họ thay trang phục trước giờ biểu diễn... được làm sống động bằng một ngôn ngữ hội họa cũng nôm na, ước lệ như diễn xuất chèo.

Không gian nghệ thuật – Cảm hứng từ đề tài phụ nữ - 3

Được mùa cá – Hồ Thanh Thoan

Hình tượng phụ nữ bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng trong các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tác giả Đinh Gia Thắng là tác phẩm nghệ thuật có quy mô hoành tráng và giàu ý nghĩa…Ngày 16 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định đưa công trình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào danh sách các công trình văn hoá cấp Quốc gia.

Trong sự nghiệp hội họa của mình, hoạ sĩ Trịnh Hoàng Tân cũng vẽ nhiều bức sơn mài đề tài về phụ nữ, với không gian nghệ thuật ước lệ và một tình yêu mãnh liệt. Cảm hứng về đề tài phụ nữ, nhưng họa sĩ Thế Hà (Nguyễn Hữu Song) lại có cách thể hiện khá riêng biệt so với các họa sĩ đương đại. Sự kết hợp giữa hình thể và không gian nghệ thuật đã làm cho nhân vật trở nên huyền ảo hơn, dù dáng vóc thân quen của mỗi ai đó đang hiện hữu.

Không gian nghệ thuật – Cảm hứng từ đề tài phụ nữ - 4

Điệu đàn dân gian – Đỗ Quốc Thắng

Họa sĩ Trương Đình Dung có rất nhiều tranh sơn mài về phụ nữ được đăng tải trên các báo, tạp chí. Trong tranh, những cô nữ sinh, những em bé, những thiếu phụ với vẻ đẹp sang trọng, thuần khiết từ hình thể được vuốt mảnh trong tà áo dài như hé gợi một thoáng nội tâm nhân vật, thầm thì trong sắc mầu lộng lẫy hoặc trầm ấm.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Thái cũng khá thành công khi đưa hình ảnh mẹ con người phụ nữ dân tộc Bru-Vân Kiều vào tranh. 

Không gian nghệ thuật – Cảm hứng từ đề tài phụ nữ - 5

Lời ru của mẹ - Nguyễn Thành Thái

Nữ sinh thời chiến của hoạ sĩ Nguyễn Thị Lương Giang là tác phẩm đề tài phụ nữ trong lịch sử chiến tranh cách mạng, thanh niên xung phong. Các nhân vật nữ tỏa ra sự can trường, bất khuất, trung hậu, một sự quả cảm và kiên định. 

Cũng là một tác phẩm khác về phụ nữ, nhưng Điệu đàn dân gian của hoạ sĩ Đỗ Quốc Thắng khai thác không gian nghệ thuật dân gian, giai điệu hoà âm cùng nhân vật sáng bật lên nền đỏ sẫm là một hình thức truyền tin rất điển hình trong văn hóa xưa kia, phóng chiếu các ý niệm và cảm xúc hiện tại vào quá khứ,

Người phụ nữ trong tác phẩm Hiến đất xây dựng nông thôn mới của Nguyễn Văn Chúc thể hiện hình ảnh những người phụ nữ của sức mạnh thầm lặng, lan toả tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến đất mở đường và hưởng ứng phong trào lao động giỏi. 

Mẹ chiến sĩ của hoạ sĩ Phan Văn Xung là người mẹ, người vợ chiến sĩ trong tư thế vòng tay ôm người lính. Cái ôm là phương thuốc diệu kỳ của tâm hồn, tiếp thêm cho người lính nguồn sinh lực mới. Việc ôm nhau, trao lời yêu thương cho người thân rất đáng trân trọng. Một cái ôm, tưởng chừng thật nhỏ bé, đơn giản, bất cứ ai cũng có thể làm. Nhưng lại ẩn chứa bên trong sức mạnh to lớn. Cái ôm thay lời nói bày tỏ sự quan tâm, yêu thương không lời. 

Người lao công của hoạ sĩ Trương Minh Dự thuộc thể loại tranh biểu hiện, trừu tượng. Tác phẩm với tông vàng đất chủ đạo tượng trưng cho sự lao động để nâng cao tinh thần và khả năng lao động. Không gian nghệ thuật mang rất nhiều tầng ý nghĩa. 

Nhớ nguồn của hoạ sĩ Trần Thanh Song, phụ nữ đẹp khi họ thoáng nét cô đơn, u buồn phảng phất, thể hiện sự suy tư, trầm ngâm trong tâm hồn. Trong muôn vàn sự lựa chọn, có lẽ chọn sự hy sinh là cao cả và thiêng liêng nhất. Bởi hy sinh là chấp nhận khó khăn, gian khổ, thiệt thòi, thậm chí mất mát. 

Không gian nghệ thuật – Cảm hứng từ đề tài phụ nữ - 6

 Dưới trăng – Trương Đình Dung

Tình đất và người của hoạ sĩ Lê Ngọc Duy thể hiện được đam mê tột cùng với sắc màu cuộc sống, nhằm mang tới những khoảnh khắc độc đáo, sống động nhất của cuộc sống ở nông thôn, bao nỗi nhớ nhung những người con đi xa chưa về.

Được mùa cá của hoạ sĩ Hồ Thanh Thoan, những con người lao động mới là những người có tâm hồn phóng khoáng, yêu lao động và luôn có niềm hy vọng, ước mong đánh bắt được nhiều hải sản. Giữa bao la trời biển, con người hiện lên với niềm vui phơi phới trong cảnh sắc cá về bến. Đó là một công việc thường nhật, đã trở thành nếp sinh hoạt của người dân chài…

Không gian nghệ thuật – Cảm hứng từ đề tài phụ nữ - 7

Niềm vui ngày mùa – Trịnh Hoàng Tân

Đề tài phụ nữ trong hội hoạ Quảng Trị gây xúc động bởi chính thông điệp giản dị về sự trong sáng, thánh thiện. Xem tranh như thấy được yên ả, thanh bình, như thấy được yêu thương, những tình cảm giúp con người hướng về cái thiện. Cái đẹp là mẫu số chung. Không gian nghệ thuật đã chạm vào và tạo nên những xáo động nội tâm để mỗi người như được gặp lại cõi lòng của chính mình. Chính cõi lòng riêng tư làm nên cốt cách, bản sắc của từng hoạ sĩ và phải chăng các hoạ sĩ cảm nhận bằng tâm hồn, cảm xúc, trong vô thức sâu thẳm phát lộ tinh thần của tác phẩm?

Trịnh Hoàng Tân

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Đất nước”  – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi

“Đất nước” – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi

“Đất nước” là một bài thơ ngắn được Nguyễn Đình Thi sáng tác trong một khoảng thời gian dài (1948 - 1955). Phần đầu của “Đất nước” được tạo thành từ hai đoạn trong các bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949), có thay đổi một số từ, riêng dòng thứ ba được thay đổi hẳn bằng một câu thơ khác. Phần sau của “Đất nước”, từ câu “Ôi nh