Xứ Thanh - Một ngày trăn trở?

Nhân có việc vào xứ Thanh gặp mấy ông bạn Văn nghệ sĩ cafe trò chuyện, một hồi lâu, chán rồi, ông bạn thân và mấy người đi cùng rủ nhau ra bỏ phiếu cho cuộc lấy ý kiến tượng Bà Triệu đang trưng bày ở Nhà hát Lam Sơn. Chợt nhớ trên Facebook gần đây cũng đang ồn ào về vụ này nên tôi tò mò theo bạn lượn ra “ngó cái chơi”.

Ra đến nơi tôi thấy có 3 mẫu tượng Bà triệu cưỡi Voi được xếp hàng ngang để người xem nhắm nhìn và ghi phiếu. Tôi hỏi ông bạn: “Chắc đây là 3 bức tượng được Hội đồng thẩm định Nghệ thuật Trung ương (HĐTĐNT) đánh giá cao trong đợt thi vừa rồi nên mới được trưng bày để lấy ý kiến nhân dân phải không”?

Xứ Thanh - Một ngày trăn trở? - 1

3 mẫu tượng đài trưng bày lấy ý kiến nhân dân.

Ông bạn cho biết: - Chỉ có hai mẫu đoạt Giải Nhất và Nhì thôi, còn cái mẫu đứng giữa này là từ trong kho của cuộc thi cấp tỉnh năm xưa được tiện thể mang ra trưng luôn ấy mà.

Tôi kinh ngạc nhìn bạn như không tin vào tai mình: - Ông đùa ư? Sao lại có chuyện lạ đời như thế? Thế này là không tôn trọng HĐTĐNTW mà trong đó các GS, TS cùng chuyên viên, chuyên gia chuyên ngành hàng đầu vào chấm vừa xong hay sao?

Tôi lại nói với anh bạn: -Đã từng nghe tỉnh Thanh Hoá năm nào đó đã có cuộc thi trong tỉnh để chọn nhưng tượng xấu quá và bị dư luận cả nước phản đối vì cái lý Bà Triệu đâu phải của riêng Thanh Hóa mà của cả nước, chọn mẫu tượng đài về Bà không thể đơn giản và tuỳ tiện được, vậy giờ đơn vị tổ chức lấy ý kiến nhân dân lại cài thêm cả cái tượng đã bị loại ở cuộc thi tai tiếng năm trước là cớ làm sao?

Nghe tôi nói vậy ông bạn của tôi nhếch mép cười: - Thì đúng thế, tỉnh đã tiếp thu ý kiến của dư luận nên quyết định chi kinh phí khá lớn để tổ chức hẳn một cuộc thi phác thảo tượng đài Bà Triệu toàn quốc năm 2024 và đã được các nghệ sĩ mỹ thuật, điêu khắc cả nước hưởng ứng. Tỉnh đã xin Trung ương lập hẳn một hội đồng thẩm định vào đây thường trực cả tuần để cho điểm các phác thảo tượng đài. Kết quả Hội đồng chọn ra 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và các giải Khuyến khích. Đây mẫu thứ nhất giải Nhất, mẫu thứ ba giải Nhì.

Rồi bỗng ông chỉ vào mẫu để giữa: - Còn cái bức đứng giữa này thì tôi cũng chịu chả hiểu sao Sở VHTTDL Thanh Hóa lại đưa cái tượng không tham dự lần này ra bày ở đây là có ý gì?

Tôi lặng đi không trả lời cho ông bạn biết thái độ của mình vội, vì nói gì thì nói mình phải nhìn kỹ, ngắm kỹ và cố moi móc trong đầu những kiến thức cơ bản về Tượng đài mà mình đã thu lượn được với hơn 40 năm gắn liền với VHNT để hiểu về các tác phẩm một cách thấu đáo.

Tượng đài thường là tác phẩm của các nhà điêu khắc và khái niệm đã là tượng đài thì tôi được chỉ dạy rằng cái dáng trong một hình khối rất quan trọng, các nhà điêu khắc ra sức đắp gọt, đục đẽo để thể hiện hình khối. Có những khối gần như không diễn tả cái gì, chỉ là làm cho bề mặt gồ ghề, lồi lõm để đạt được mục đích của điêu khắc là tạo nên hình dáng (silhouette) chứ không phải là hình khối (cube)...

Tôi còn nhớ ông thầy dạy Mỹ thuật hồi còn học Đại học Sân khấu - Điện ảnh đã giảng: “... Hình khối trong điêu khắc thực ra là phương tiện để biểu diễn hình dáng. Cũng giống trong hội hoạ. Màu sắc không phải là cái đích để diễn tả. Màu sắc là phương tiện thể hiện khối và không gian. Nếu hội hoạ chỉ diễn tả màu thì không gì hơn cái … palette”.

Vậy hình dáng là gì? Theo tôi hiểu chính là hình ảnh vật thể khi không có khối như ta nhìn một người đứng trước một nguồn sáng vậy, chỉ thấy bóng đen trước mặt, cũng có thể gọi là hình bóng cho dễ hình dung. Tức công việc của nhà điêu khắc là phải tạo được một hình bóng tách biệt với không gian... Và khi chiêm ngưỡng một bức tượng đài, phải nhìn từ xa, do vậy không thể thấy khối được. Rất nhiều bức ảnh đẹp của tượng đài trên thế giới được chụp ngược sáng, chỉ thấy xuất hiện bóng đen, nhưng như thế lại càng đẹp. Vậy thì tạo khối để làm gì: khối chỉ làm tăng vẻ đẹp của hình dáng và có nhiệm vụ làm thay đổi hình dáng khi xoay chiều. Một hình khối tạo nên những hình ảnh khác nhau khi di chuyển điểm nhìn, đó là sự kỳ diệu của điêu khắc...

Xứ Thanh - Một ngày trăn trở? - 2

Tác giả và 3 mẫu tượng đài và mẫu đánh dấu không thuộc giải thưởng của cuộc thi phác thảo tượng Bà Triệu bằng đồng.

Tôi nghĩ vậy nhưng giờ đây đứng ngắm 3 bức tượng mà Sở VHTTDL Thanh Hóa mang ra trưng cầu này, tôi thấy cái thì tả thực đến tận chi tiết như đồ mỹ nghệ chỉ phù hợp chặn giấy để bàn, cái thì cả một hình khối làm bệ phía đít voi thô kệnh vàng chóe và tôi dừng lại ngắm kỹ hơn bức thứ 3 có màu đen đồng (không hiểu những màu sắc của cả 3 phác thảo này có là ý đồ của các tác giả không).

Nhưng với bức phác thảo Bà Triệu đứng trên voi màu đen đồng nay tôi thấy bắt mắt hơn cả ... Tuy tượng không diễn tả hành động cụ thể nào nhưng tác giả đã chọn dáng đứng thẳng để lột tả dáng, tư thế mạnh mẽ toát ra của người Phụ nữ Việt Nam đẹp ở đây. Tôi thấy có tính hoành tráng mạnh mẽ nhưng cả khiêm nhường vốn bản tính phụ nữ Việt Nam... mà như tôi biết thì tiêu chí này được khẳng định ở văn bản của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đề ra cho các cái gọi là tượng đài và đó là một tiêu chí đúng đắn. Song chúng ta đã hiểu sai về khái niệm hoành tráng; cho rằng nó có nghĩa là to tát, lớn lao, và phải thể hiện được sức mạnh. Vậy chúng ta cứ cứ phải đi tìm những sự kiện hào hùng, vang dội và cố gắng thể hiện một quần thể có thế dáng động, vươn lên phía trước mới là hoành tráng ư? Xin thưa tôi đã được dạy rằng tính hoành tráng không phải nằm ở hình thức mà ở cả sự sống động của con người, có thần khí sức mạnh ở bên trong. Và tất nhiên hoành tráng nó còn phụ thuộc vào vị trí và cảnh quan nữa cơ mà...

Xứ Thanh - Một ngày trăn trở? - 3

Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi phác thảo tượng Bà Triệu năm 2024. 

Và sau khi tìm hiểu thì được biết lý do tại sao Hội đồng Thẩm định nghệ thuật đã cho điểm cao nhất bức màu đen đồng mà tôi mà thích (giải Nhất) bởi bản thân phác thảo này đã bao gồm tính hoành tráng về hình khối vững trãi và có hình dáng đẹp thanh thoát nhưng vẫn mạnh mẽ khi được nhìn từ nhiều góc khác nhau.

Mang điều ấy chia sẻ với mấy ông bạn đi cùng, họ cũng đồng cảm với tôi khi cùng đứng trước 3 phác thảo được trưng cầu này. Và hầu như ai cũng đặt ra một câu hỏi: Việc trưng cầu này nhằm để tham khảo hay để thông báo cho nhân dân biết là Tỉnh sẽ chọn 1 trong 3 mẫu? Và câu hỏi lớn hơn cả là với một tác phẩm thì việc “mang cày ra đường đẽo” thế này có đúng không khi tỉnh đã mất công sức các nhà nghiên cứu chuyên môn hàng đầu của đất nước vào thẩm định. Đấy chưa nói tới cái việc Sở VHTTDL tỉnh Thanh đã “luồn cả ‘hàng’” đã bị loại vào để trưng cầu ngang hàng với các phác thảo đoạt giải trong cuộc thi mà hội đồng thẩm định vừa đánh giá cho điểm và Lễ Trao giải cũng đã được tổ chức trang trọng?

Tôi đặt câu hỏi: Việc trưng bày tác phẩm lấy ý kiến nhân dân lần này liệu có thật sự trong sáng, khách quan và vô tư không? Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh có biết việc này không? Và nếu các đồng chí biết thì tại sao lại cho phép Sở VHTTDL Thanh Hóa làm một việc “không bình thường” như thế này. Cũng nói thật, Bà Triệu mà biết việc này, chắc bà cũng chẳng vui.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh Du

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Đất nước”  – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi

“Đất nước” – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi

“Đất nước” là một bài thơ ngắn được Nguyễn Đình Thi sáng tác trong một khoảng thời gian dài (1948 - 1955). Phần đầu của “Đất nước” được tạo thành từ hai đoạn trong các bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949), có thay đổi một số từ, riêng dòng thứ ba được thay đổi hẳn bằng một câu thơ khác. Phần sau của “Đất nước”, từ câu “Ôi nh