Tạo cơ hội phát triển phim lịch sử Việt Nam
PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam mong muốn, sẽ có nhiều tác phẩm văn học có giá trị lịch sử được chuyển thể thành hiện thực màn ảnh để tạo cơ hội cho phim lịch sử Việt Nam phát triển.
Tại chương trình ra mắt “Quỹ hỗ trợ chuyển thể kịch bản điện ảnh từ tiểu thuyết lịch sử” và giới thiệu tiểu thuyết lịch sử Kim thiếp Vũ Môn được tổ chức tại Hà Nội, chiều 8/4, PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, Đào, phở và piano cũng tạo cơn sốt phòng vé, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối cũng đang có sức thu hút lớn cho thấy khán giả Việt Nam không thờ ơ với phim lịch sử.
Chương trình ra mắt “Quỹ hỗ trợ chuyển thể kịch bản điện ảnh từ tiểu thuyết lịch sử” và giới thiệu tiểu thuyết lịch sử "Kim thiếp Vũ Môn".
Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, lịch sử nước ta có rất nhiều câu chuyện hay nhưng nhiều nhà làm phim thường né tránh đề tài lịch sử bởi đây là một lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng đầy thử thách. Điện ảnh Việt Nam đang nợ lịch sử dân tộc những bộ phim lịch sử mà chưa có điều kiện làm phim do kinh phí, nguồn lực, tư liệu lịch sử, và đặc biệt là kén khán giả.
Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh (GS. TSKH Trần Xuân Hoài) thì cho hay, phim lịch sử nước ta hiện nay hầu như vẫn là một mảnh đất trắng, làm phim hay là một việc không dễ mà phim lịch sử hay lại càng khó muôn phần.
“Chúng ta không có kịch bản lịch sử hay, mặc dù tác phẩm văn chương viết về lịch sử hay thì ta không thiếu. Những nhà biên kịch tài năng, chuyên nghiệp hay nghiệp dư, cũng không hiếm. Nhưng họ không có động lực cả về nghệ thuật lẫn tài chính cũng như mục tiêu để chuyển thể tiểu thuyết lịch sử thành kịch bản phim, vì đó chỉ là một công đoạn trong việc làm phim lịch sử cực kỳ khó khăn mà thôi”, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh nêu.
Các diễn giả chia sẻ tại chương trình.
Vì vậy, một số đơn vị, văn nghệ sĩ, nhà hoạt động và bảo trợ Văn hóa Khoa học đã đưa ra sáng kiến thành lập một “Quỹ Đại Chúng” với tên gọi “Quỹ hỗ trợ chuyển thể kịch bản điện ảnh từ tiểu thuyết lịch sử”.
Ông Trần Gia Ninh cho biết, quỹ hoạt động phi lợi nhuận và hoàn toàn công khai; Quỹ kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng, của các Mạnh thường quân yêu văn hoá nghệ thuật dưới mọi hình thức; Tài trợ cho các tác giả chuyển thể kịch bản (mọi thể thức) theo hai hình thức: Tổ chức thi chọn kịch bản; Mời và hỗ trợ tài chính trực tiếp các nhà biên kịch có khả năng nhất.
Quỹ đề nghị thí điểm chọn tiểu thuyết lịch sử Kim thiếp Vũ Môn, tái bản bổ sung in lần thứ 3, Nhà xuất bản Văn học, năm 2024 của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh. Đây là tác phẩm viết theo kiểu chương hồi, với độ dày hơn 400 trang, lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử "Kim thiếp Vũ Môn" của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh.
Đại tá, Nhà văn, Nhà báo Phạm Quang Đẩu cho rằng Kim thiếp Vũ Môn có 3 điều mới lạ so với các tiểu thuyết lịch sử viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là: Viết trực diện khởi nghĩa Lam Sơn, ôm trọn không gian, thời gian của cuộc khởi nghĩa với rất nhiều nhân vật chính, phụ được mô tả kỹ càng; Viết về những nhân tài khoa học công nghệ từng một thời vang bóng, mô tả kỹ càng và sinh động ở những lĩnh vực công nghệ quan trọng của ông cha ta dùng trong quân sự như luyện thép, tinh chế thuốc súng từ phân dơi than xoan, chế tạo đao kiếm, súng hỏa mai…; Miêu tả về tình yêu lứa đôi xuất hiện trong khói lửa binh đao cũng như trong đời sống thường ngày thuở dân ta còn sống trong cảnh đơn sơ hoang dã.
“Với nội dung phong phú, hấp dẫn của Kim thiếp Vũ Môn, tin rằng từ đây sẽ có một kịch bản hay và được bàn tay nhào nặn của một nhà đạo diễn tầm cỡ đủ điều kiện để sắp tới cho ra đời một tác phẩm điện ảnh có giá trị nhân bản và nghệ thuật cao”, Đại tá, Nhà văn, Nhà báo Phạm Quang Đẩu nói.
PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử do một nhà khoa học căn cứ vào những dữ kiện lịch sử để viết nên, nó cũng mang tính chuyên luận và có tính chất nghiên cứu khoa học.
Tác phẩm có 36 hồi, theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, cấu trúc này gần với cấu trúc của phim truyện truyền hình nhiều tập. Nếu làm phim truyền hình từ 20 đến 30 tập thì tác giả có thể thể hiện được hết ý, còn nếu chuyển thể thành phim điện ảnh thì cần phải lược bớt nhiều dữ liệu để tập trung vào nhân vật chính, và một số nhân vật thứ chính, nhân vật phụ với tác dụng nhấn mạnh cho nhân vật chính.
PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ về chủ đề chuyển thể tác phẩm văn học sang kịch bản điện ảnh.
Khi tác giả viết Kim thiếp Vũ Môn đã có rất nhiều chất liệu điện ảnh ở đó nhưng để trở thành một kịch bản hoàn chỉnh, PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú gợi mở cần có những nhà chuyên môn vừa am hiểu về lĩnh vực phim lịch sử vừa có sự thống nhất với tác giả để có được tiếng nói chung.
Nếu thí điểm này thành công, Quỹ sẽ tiếp tục chọn các tiểu thuyết lịch sử khác để chuyển thể thành kịch bản phim lịch sử.

Từ cuối thập kỷ 40, điện ảnh đã thể hiện tinh thần tự lực tự cường, từng bước trưởng thành qua hai cuộc kháng...
Bình luận