Ông Trump muốn “xóa sổ” Bộ Giáo dục Mỹ, liệu có khả thi?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết sẽ "xóa sổ" Bộ Giáo dục Mỹ để trả quyền quản lý trong lĩnh vực giáo dục về các bang. Tuy nhiên, liệu ông có thực hiện được điều này và nếu thành công, kế hoạch này sẽ mang đến những thay đổi gì cho hệ thống giáo dục Mỹ?

Ông Trump muốn “xóa sổ” Bộ Giáo dục Mỹ, liệu có khả thi? - 1

Tổng thống đắc cử Donald Trump coi việc “xóa bỏ” Bộ Giáo dục là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện. Ảnh: Reuters.

Theo Washington Post, từ trước khi ông Trump chiến thắng bầu cử, vai trò của Bộ Giáo dục ở Mỹ đã bị đặt dấu hỏi. Đảng Cộng hòa cho rằng Bộ Giáo dục làm việc chưa hiệu quả, trở thành công cụ của làn sóng văn hóa “woke”. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần công kích “woke”, xem đây là trào lưu văn hóa cực đoan, gây chia rẽ nước Mỹ.

“Woke” ban đầu là tiếng lóng dùng trong cộng đồng người da màu, ám chỉ việc thức tỉnh, nhận thức về bất công xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới và các quyền của nhóm thiểu số. Theo thời gian, “woke” đã phát triển thành một phong trào văn hóa rộng lớn hơn, không chỉ liên quan tới cộng đồng người da màu và ngày càng mang tính cực đoan ở Mỹ.

Bộ Giáo dục Mỹ hiện cung cấp khoảng 10% kinh phí cho chương trình K-12 (hệ thống giáo dục 12 cấp), thực thi luật dân quyền và điều hành chương trình sinh viên vay nợ với trị giá 1,6 nghìn tỷ USD.

Bộ Giáo dục Mỹ có chức năng gì?

Bộ Giáo dục Mỹ đảm nhiệm vai trò hỗ trợ các bang và địa phương trong việc cải thiện chất lượng giáo dục. Trong khi các bang và các chính quyền địa phương ở Mỹ chịu trách nhiệm chính về giáo dục, bộ này cung cấp hỗ trợ tài chính quan trọng cho các trường học và sinh viên, đặc biệt là các trường học ở vùng nghèo và sinh viên khuyết tật. 

Chương trình Title I của bộ dành khoản ngân sách 18,4 tỷ USD hàng năm cho các trường phục vụ học sinh nghèo, trong khi 15,5 tỷ USD được dùng để hỗ trợ giáo dục cho học sinh khuyết tật.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục còn quản lý khoản vay sinh viên liên bang trị giá tới 1,6 nghìn tỷ USD, một phần cực kỳ quan trọng trong nền giáo dục cao đẳng và đại học của Mỹ. Bộ cũng có nhiệm vụ thu thập dữ liệu về tình hình giáo dục toàn quốc, từ tỷ lệ tuyển sinh, tình trạng an ninh trường học, đến chất lượng giảng dạy. Dữ liệu này được sử dụng trong các báo cáo như Nation’s Report Card, nhằm đánh giá trình độ học sinh Mỹ so với các nước khác.

Ông Trump muốn “xóa sổ” Bộ Giáo dục Mỹ, liệu có khả thi? - 2

Ông Trump muốn trao quyền nhiều hơn về giáo dục cho các bang. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục còn thực thi các luật về quyền dân sự, đảm bảo rằng các trường học không được phân biệt đối xử đối với học sinh dựa trên các yếu tố như chủng tộc, giới tính, hay các khía cạnh khác. 

Gần đây, dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Bộ Giáo dục đã có động thái ngăn cản việc phân biệt đối xử với học sinh thuộc “giới tính thứ ba” - một chủ đề gây tranh cãi trong xã hội Mỹ.

Liệu ông Trump có thể "xóa sổ" Bộ Giáo dục hay không?

Ông Trump không thể tự ý đóng cửa Bộ Giáo dục vì điều này cần phải được Quốc hội phê chuẩn. Để xóa bỏ một cơ quan liên bang, ông Trump sẽ cần sự đồng thuận từ cả Hạ viện và Thượng viện và thậm chí phải đạt được 60 phiếu của các nghị sĩ  ở Thượng viện. Đây là một thử thách không nhỏ bởi không chỉ đảng Dân chủ mà nhiều thành viên của đảng Cộng hòa cũng đã từng phản đối ý tưởng này.

Năm 2023, dưới thời ông Biden, Hạ viện Mỹ đã xem xét một đề xuất đóng cửa Bộ Giáo dục trong một dự luật về quyền phụ huynh nhưng không đạt đủ số phiếu. 161 nghị sĩ đảng Cộng hòa đồng ý đóng cửa Bộ Giáo dục nhưng vẫn có 60 nghị sĩ trong đảng  cùng toàn bộ nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối. 

Điều này cho thấy dù ông Trump có thể được nhiều nghị sĩ ủng hộ trong đảng Cộng hòa, nhưng việc loại bỏ Bộ Giáo dục vẫn sẽ gặp nhiều trở ngại.

Ngoài ra, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có sẵn sàng chi tiêu nguồn lực chính trị vào việc này khi có rất nhiều vấn đề quan trọng khác trong chính sách của ông cần được ưu tiên. Một số nhân vật có tiếng nói trong đảng Cộng hòa đã kêu gọi ông Trump từ bỏ ý định này và thay vào đó nên tận dụng quyền hạn của Bộ Giáo dục để thúc đẩy các ưu tiên theo đường lối của đảng.

Việc loại bỏ Bộ Giáo dục sẽ tạo ra những hệ quả gì?

Nếu Bộ Giáo dục bị đóng cửa, sự thay đổi đầu tiên và dễ thấy nhất sẽ là không còn một thành viên nào trong Nội các có nhiệm vụ giám sát và thúc đẩy các vấn đề về giáo dục ở cấp liên bang. Điều này có thể làm giảm sự chú trọng của chính phủ Mỹ đối với giáo dục và có thể khiến các vấn đề về giáo dục ít được ưu tiên hơn trong các chính sách quốc gia.

Ông Trump muốn “xóa sổ” Bộ Giáo dục Mỹ, liệu có khả thi? - 3

Trụ sở Bộ Giáo dục Mỹ ở thủ đô Washington DC. Ảnh: Washington Post.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa bộ này có thể dẫn đến những thay đổi lớn về mặt tổ chức. Một số chức năng của bộ sẽ cần được chuyển giao cho các cơ quan khác. Theo kế hoạch Project 2025 của tổ chức Heritage Foundation, các nhiệm vụ của Bộ Giáo dục có thể được phân bổ cho các cơ quan khác. Chẳng hạn, Bộ Tài chính sẽ quản lý các khoản vay sinh viên, trong khi Bộ Tư pháp sẽ đảm nhiệm việc thực thi các quy định về quyền dân sự.

Tuy nhiên, hệ quả lớn nhất sẽ đến nếu Quốc hội quyết định cắt giảm các chương trình tài trợ hiện nay hoặc loại bỏ một số chức năng của Bộ Giáo dục. Nếu không còn các chương trình như Title I hoặc hỗ trợ học sinh khuyết tật, các trường học nghèo và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ chịu tác động. Việc xóa bỏ Bộ Giáo dục có thể đồng nghĩa với việc giảm đi một nguồn hỗ trợ quan trọng cho các trường học và gia đình có thu nhập thấp.

Lịch sử Bộ Giáo dục Mỹ

Bộ Giáo dục Mỹ được thành lập bởi một đạo luật của Quốc hội vào năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Mỹ có một bộ giáo dục. Vào năm 1867, Tổng thống Andrew Johnson đã ký luật thành lập một bộ giáo dục nhỏ, nhưng sau đó cơ quan này bị giảm cấp xuống thành một văn phòng do lo ngại rằng nó có thể dẫn đến sự can thiệp quá sâu của chính phủ liên bang vào giáo dục.

Vai trò của chính phủ liên bang trong giáo dục bắt đầu mở rộng sau Thế chiến II, đặc biệt với chương trình GI Bill, cung cấp các hỗ trợ giáo dục cho cựu chiến binh. 

Việc thông qua các đạo luật dân quyền cũng giúp chính phủ có thêm quyền lực để ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử trong các trường học. Trước khi Bộ Giáo dục Mỹ được thành lập, giáo dục từng nằm trong phạm vi quản lý của cơ quan gọi là Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi. Đến năm 1980, cơ quan này được tách ra và trở thành một bộ độc lập, với nhiệm vụ chính là đảm bảo rằng mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng.

Hoàng Anh - Washington Post

Tin liên quan

Tin mới nhất