Bài ca người lính

Suy nghĩ nhân đọc "Những người lính chiến", tiểu thuyết của Vũ Quốc Khánh, Nxb Văn học, 2024

Một đề tài không cạn kiệt

Chiến tranh dường như chưa kết thúc nếu soi vào văn học hiện nay. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 trao cho tiểu thuyết chiến tranh Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một. Vừa qua, tại Bangkok (Thái Lan), Lễ trao giải thưởng Văn học ASEAN 2024 đã xướng tên tác phẩm của nhà văn Việt Nam Nguyễn Một. Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam vừa tái bản tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh (từ lần in thứ nhất tại Nhà xuất bản Trẻ 2014 đến lần in thứ hai trọn 10 năm, 2014-2024). Sự trở lại của Miền hoang nằm trong khuynh hướng trở lại của đề tài truyền thống (chiến tranh cách mạng và lịch sử) trên văn đàn Việt Nam đương đại theo tinh thần “ôn cố tri tân”. Người ta nói thời gian là vị quan tòa nghiêm khắc và công minh nhất quả không sai. Trong phạm trù văn hóa các giá trị thường vừa được bảo tồn vừa được phát triển.

Tiểu thuyết Những người lính chiến của Vũ Quốc Khánh cùng với Khúc ca người lính của Nguyễn Trọng Tân (Nxb Hội Nhà văn, 2024) thuộc về nhóm tác phẩm ghi điểm với độc giả trong năm Giáp Thìn khi nhu cầu tái nhận thức thực tại ngày càng tăng trưởng bởi bài học của thời kỳ cứu quốc không hề phai nhạt trong thời kỳ kiến quốc, nói cách khác từ văn hóa cứu quốc đến văn hóa kiến quốc có một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt.

Bài ca người lính - 1

Bìa tiểu thuyết Những người lính chiến của Vũ Quốc Khánh.

Phải đọc tiểu thuyết Những người lính chiến trong bối cảnh văn hóa đó mới thấm nhuần hết ý nghĩa của nó. Tiểu thuyết được xây dựng trên một cấu tứ phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử - người ta sinh ra vốn không phải đã là lính. Nhưng khi trở thành lính chiến thì tự nhiên gánh trọng trách và sứ mệnh cao cả của đất nước và nhân dân giao phó trong sự nghiệp giải phóng, như lời Giám đốc xí nghiệp gỗ Việt Cường, một cựu quân nhân “Chúng ta sinh ra ai cũng muốn được hòa bình, có ai muốn chiến tranh đâu. Nhưng kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng”.

 Văn học viết về chiến tranh đã trải qua các giai đoạn phát triển từ thấp lên cao. Hiện nay, chiến tranh được tái hiện dưới ánh sáng của văn hóa và tiến hóa. Nghĩa là, cần thiết nhận thức bất kỳ một cuộc chiến tranh nào suy cho cùng cũng là sự đối đầu của hai nền văn hóa của thế lực xâm lược và dân tộc bị xâm lược; đồng thời viết chiến tranh cũng là cách lý giải về tiến hóa và phản tiến hóa xã hội do sự hủy diệt vốn là bản chất của chiến tranh như là một xung đột của các ý thức hệ và các lực lượng xã hội khác nhau trong một tương liên biện chứng.

Thi pháp chân thành - Viết về quá khứ một cách trung thực

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, tác giả tiểu thuyết Đất trắng (2 tập, 1979-1984) đã viết: “Nói về quá khứ một cách nghiêm túc và trung thực thì không sợ không có điều gì để nói với hôm nay” (Suy nghĩ về nghề văn, trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2020). Bối cảnh của tiểu thuyết Những người lính chiến là chiến tranh vào thời khắc quyết định ở một mặt trận quyết định - Buôn Mê Thuột và chiến sự tiếp theo trong bối cảnh chiến trận và chiến cục Xuân - Hè 1975. Guồng quay của lịch sử thời điểm đó có thể nói phơi bày tận đáy các xung đột, mâu thuẫn, hủy diệt, tàn phá trên nền bị kịch và bi tráng. Chiến tranh không thể là ngày hội. Cũng không phải là trò đùa mà tạo hóa nhào nặn hay bày vẽ ra để thử thách, thậm chí “trêu ghẹo” loài người một cách trái khoáy. Không sự mất mát nào lớn bằng cái chết.

Tiểu thuyết Những người lính chiến đã miêu tả sự hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ Quân Giải phóng trên nền cảm hứng bi kịch nhưng không bi thảm. Tác giả đã từ bỏ được lối viết minh họa giản đơn “ta thắng địch thua”. Đánh bại một kẻ thù càng giàu mạnh, càng thông minh thì chúng ta mới xứng danh anh hùng tầm cao. Ở đây là vấn đề nhân cách đối chọi với nhân cách. Chính nghĩa đối chọi với phi nghĩa. Văn hóa và phản văn hóa tranh đấu nhau quyết liệt.

Tiểu thuyết Những người lính chiến được viết dưới tác động của cái nhìn thời thế, thời cơ, thời vận, vận hội có tính vĩ mô và toàn cục nên không quá đà sa vào tái hiện các trận đánh cụ thể dù đó là những trận huyết chiến ở Buôn Mê Thuột hay Cheo Reo và tiếp theo - những địa danh đã đi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam thời hiện đại. Tôi thích lối viết của tác giả khi đồng thời tôn trọng tái hiện cả sự thật (chân lý) chiến hào và sự thật (chân lý) Tổng hành dinh.

Nghĩa là hai phương diện/ cấp độ vi mô - vĩ mô, cục bộ - toàn cục, sách lược - chiến lược được trình chiếu song hành để độc giả tiện theo dõi chiến sự cả ở trận tiền sát sàn sạt, cả ở đầu não Bộ chỉ huy các cấp theo sự quan sát cận cảnh và toàn cảnh như trong điện ảnh. Nhan đề tiểu thuyết là Những người lính chiến nhưng đọc xong chúng ta lại biết tường tận hơn cả những sỹ quan chỉ huy từ thấp lên cao. Có lính chiến thiện nghệ là vì có những sỹ quan chỉ huy tài ba thao lược, tiêu biểu như Tướng Vũ Tiến Lộc sau này trở thành Chính ủy Quân khu 5. Nó như là hai mặt của một tờ giấy. Vậy là phải có sự từng trải đầy đặn đời sống ở chiến trường trong bối cảnh chiến tranh và chiến sự liên miên.

Lối viết của tác giả chứng tỏ nhờ cậy vào vốn liếng của người trong cuộc trước tiên là vốn liếng của lính trận (nhan đề một tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010). Lính chiến thực thụ. Không hề là lính cậu. Ở đây trí tưởng tượng không thể thay thế vốn sống trực tiếp, thay thế mồ hôi, nước mắt và máu trên từng chiến hào, từng trận đánh đến cả một chiến dịch có ý nghĩa lịch sử như chiến dịch mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiểu thuyết Những người lính chiến đã tạc tượng đài bằng ngôn từ nghệ thuật hình ảnh những người (lính) còn sống và những người (lính) đã chết (hy sinh) đều xứng danh hai chữ ANH HÙNG, có danh và vô danh đều bất tử trong lòng Đất nước, Nhân dân.

Lính chiến - Người anh hùng thời đại dưới ánh sáng văn hóa

Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, nhưng tựu trung định nghĩa sau thuyết phục hơn cả, thực tiễn hơn cả “Văn hóa là cách sống cùng nhau” (ứng xử giữa người với người, giữa người với tự nhiên). Văn hóa thể hiện qua các cấp độ giá trị, bản sắc, ứng xử. Nếu tác giả tiểu thuyết Những người lính chiến viết về chiến tranh theo lối “tả trận”, thiết nghĩ, tác phẩm sẽ nương theo hướng lịch sử - tư liệu. Nghĩa là nặng về thông tin chiến sự, tái hiện bối cảnh chiến tranh trong tính trung thực đến từng chi tiết khốc liệt của nó. Đương nhiên viết về chiến tranh thì cần thiết vẽ nên bộ mặt thật của nó trong tính tàn khốc, hủy diệt đáng sợ. Kho tư liệu về chiến tranh của chúng ta và của cả đối phương đã là dư thừa để nhà văn khỏi phải nhọc công sưu tầm, truy xét nguồn gốc.

Viết về chiến tranh quan trọng hơn cả là viết về con người trong mối tương quan với lịch sử trên quan điểm tiến bộ, tiến hóa, văn hóa. Theo chúng tôi, Những người lính chiến đã đặt con người lên trên sự việc, vào vị trí trung tâm của lịch sử. Hơn thể, tái hiện dòng chảy cuộn trào của lịch sử thông qua những lịch sử tâm hồn của các cá thể trong một đám đông khổng lồ, là đặc trưng thẩm mỹ của tiểu thuyết Những người lính chiến.

Những người lính chiến dĩ nhiên là nhân vật chính của tiểu thuyết. Họ đương nhiên là lính trận đích thực. Nhưng họ cũng là những con người bằng xương thịt của trần thế. Cũng chẳng cần vân vi rằng các nhân vật lính chiến đáng yêu xuất thân từ nguyên mẫu nào.

Không riêng tôi khi đọc Những người lính chiến đã ngấm nghía mối thiện cảm với bộ ba nhân vật Thanh Hạnh - Thanh Nguyễn - Thanh Lương cùng họ Hà. Sức nặng và ấn tượng của tiểu thuyết nằm ở bộ ba nhân vật đặc biệt này. Bởi tình người cao vời vợi của họ đủ và dư thừa vốn liếng để chia lửa, chia máu trong chiến tranh khi cái chết kề nhau gang tấc, khi sinh mạng là vốn quý nhất của mỗi con người họ cũng sẵn sàng hiến dâng, hiến cứu đồng đội, đồng chí. Tình đồng đội, đồng chí quả là tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất của con người trong thời chiến tranh. Nhưng ngoài tình đồng đội, đồng chí những người lính chiến còn là biểu trưng của tình đồng bào, đồng loại với nỗi niềm tâm thế “Thương người như thể thương thân”. Đó là tình quân dân dẫu họ là ai, là cảnh ngộ, thân phân nào giữa cõi đời trần thế.

Trường đoạn các chiến sỹ Giải phóng quân trong đó có chủ lực là Thanh Nguyễn đã ra tay làm bà đỡ cứu nguy cho Y Sinh trong cuộc vượt cạn ngoạn mục bởi ngay trước đó chồng chị là Lê Khâm - sỹ quan Quân đội Sài Gòn đã thiệt mạng do đồng bọn sát hại dã man trong một cuộc đào thoát đã ghi vào lịch sử chiến tranh. Người dân thường như Y Sinh trước sau vô tội, đáng được chở che cứu vớt. Trong sự kiện này có ít nhiều sự oái oăm khi Y Sinh chủ động đem lòng yêu Thanh Nguyễn. Và không ai khác ngoài Thanh Nguyễn đã ứng xử rất đẹp để trong ấm ngoài êm. Có thể nói Thanh Nguyễn là một mẫu người đàn ông chân chính, đích thực ở đời.

Những người lính chiến có phần viết về hậu chiến (tạo nên sự hấp dẫn của tiểu thuyết) khi các nhân vật chính sau 1975 mỗi người một ngã rẽ, một số phận không ai giống ai. Thanh Nguyễn phục viên về quê nhưng gia cảnh tan đàn xẻ nghé (vợ đi theo người đàn ông khác), cuối cùng đoàn viên với Y Sinh; Thanh Hạnh tìm được “một nửa” của mình (thành vợ thành chồng với Nho Quế, trước đây có bí danh Z5, nay là Bí thư thị xã); Thanh Lương tiếp tục hành quân về mặt trận biên giới Tây Nam và hy sinh anh dũng. Mỗi người một cảnh ngộ, số phận nhưng đều quyết giữ tư cách con người tử tế.

Người lính chiến đích thực phải là, như lời Thủ trưởng Khoát khẳng định “Khi có cơ hội thì người lính hãy xốc tới, làm mọi việc thỏa mãn nhu cầu chính đáng của mình, của đồng đội và nhân dân. Đấy mới là người chiến sỹ quân đội nhân dân”. Sự trưởng thành và thành đạt của nhân vật Thành Nguyễn (được phong danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND), của Thanh Hạnh (được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum) là minh chứng sinh động và hùng hồn về phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” (Núi Đôi - Vũ Cao)

Từ sứ mệnh cứu quốc đến sứ mệnh kiến quốc là một chặng đường gian lao đầy thử thách. Sẽ có người ngã gục, giữa đường đứt gánh vì biết bao lý do khách quan và chủ quan. Phía sau người lính chiến còn biết bao ngổn ngang tâm sự, cảnh ngộ, đường đi nước bước. Thật đáng vui mừng khi các nhân vật của nhà văn từ trang sách bước ra cuộc đời dù còn đầy giông bão, chông gai vẫn thường trực mài sắc truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ. Họ tựa như những cây tùng, cây bách vừa đẹp đẽ vừa hiên ngang giữa phong ba bão táp cuộc đời. Một kết thúc có hậu dẫu sao vẫn làm ấm lòng cả tác giả, cả nhân vật và cả người đọc xét theo truyền thống tâm lý người Việt Nam.

Từ Phía sau trận chiến (2014) đến Những người lính chiến (2024) nhà văn miền Đất Tổ Vũ Quốc Khánh đã có một bước tiến nghệ thuật tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Đó chính là bài ca người lính bất tuyệt./.

Bùi Việt Thắng

Dòng Tràng giang của Huy Cận
Dòng "Tràng giang" của Huy Cận

Mỗi tác phẩm văn học ra đời thường được nảy sinh từ một hoàn cảnh cảm hứng nào đó. "Tràng giang" là bài thơ được...

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Đất nước”  – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi

“Đất nước” – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi

“Đất nước” là một bài thơ ngắn được Nguyễn Đình Thi sáng tác trong một khoảng thời gian dài (1948 - 1955). Phần đầu của “Đất nước” được tạo thành từ hai đoạn trong các bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949), có thay đổi một số từ, riêng dòng thứ ba được thay đổi hẳn bằng một câu thơ khác. Phần sau của “Đất nước”, từ câu “Ôi nh