Biển đảo trong văn học Việt Nam từ khi đất nước thống nhất

Ngay từ thời thượng cổ, biển đảo được coi là không gian cư ngụ, sinh tồn, phát triển của người Việt. Điều đó được lưu dấu trong các huyền thoại như Lạc Long Quân - Âu Cơ, sự tích Mai An Tiêm cùng nhiều di chỉ địa chất, khảo cổ học khác. Nhiều tín ngưỡng, tập tục thờ cúng, lễ hội cho thấy văn hóa biển đã sớm xuất hiện ở Việt Nam. Khảo sát các vùng văn hóa Đông Sơn (Bắc), Sa Huỳnh (Trung), Óc Eo (Nam) chúng ta đều nhận thấy sự hiện diện của yếu tố biển. Theo đó, biển đảo thực sự là nhân tố không thể thiếu để cấu thành thực thể Việt.

Cứ thế, biển đi vào văn hóa dân gian (folklore) và văn học viết từ trung đại đến hiện đại một cách tự nhiên vì biển song hành không thể tách rời cùng lịch sử dân tộc. Trong văn học, biển không chỉ là khách thể thẩm mỹ mà còn là một hóa thân của chủ thể để trò chuyện, tâm tình về số phận con người, sức mạnh quật cường và khát vọng của dân tộc qua bao thăng trầm lịch sử. 

Sau 1975, chủ đề biển đảo vẫn tiếp tục được nhiều nhà văn quan tâm và mở rộng diện trường miêu tả. Ngay sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, một số nhà thơ đã lấy biển làm điểm tựa cảm hứng nói về hành trình đi qua thử thách để đến ngày chiến thắng như Thanh Thảo với Những người đi tới biển (1977). Sau trường ca Đường tới thành phố, bắt đầu từ 1981, Hữu Thỉnh khởi viết trường ca Biển và hoàn thành tác phẩm này vào năm 1994. Trong cái nhìn của nhà thơ, đường tới biển là sự tiếp nối của hành trình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người lính: Sau giải phóng Sài Gòn - Anh ra đảo. Với cấu trúc 6 chương, đây là một trường ca bề thế, mang dáng dấp của một bản giao hưởng giàu tính đối thoại và trĩu nặng suy tư. 

Từ điểm nhìn hậu chiến, nhiều nhà văn đã tái hiện chân thực những trận chiến giải phóng biển đảo trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 và những bước đi của lịch sử gắn liền với “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Hình ảnh những con tàu không số mãi mãi là biểu tượng đẹp đẽ về ý chí quyết thắng và sự sáng tạo vô song của thế trận nhân dân: “Giấu trong mình trang phục thường dân/ Lời thề thép: ra đi là quyết thắng” (Lê Anh Phong).

Trong số những nhà văn chung thủy với biển, đáng chú ý hơn cả là Đình Kính. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm về binh chủng hải quân và người lính nơi biển đảo: Đảo mùa gió (1981), Người của biển (1985), Lính thủy (1987), Biển có gai (1990), Sóng chìm (2008)... Không chỉ viết nhiều về lính biển, ông còn là tác giả của những kịch bản phim tài liệu/ truyền hình nổi tiếng như Huyền thoại tàu không số, Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bên cạnh các tác phẩm mang đậm âm hưởng sử thi khi viết về biển đảo là những tác phẩm miêu tả cung cách làm ăn táo bạo như một tiên báo về đổi mới. Đáng chú ý là sự nhạy bén của Nguyễn Mạnh Tuấn với Đứng trước biển (1982) và Cù lao Tràm (1985). Còn trong Biển và chim bói cá (2008), nhà văn Bùi Ngọc Tấn lại mang đến một khám phá mới. Trên cơ sở chắp nối những mảnh đời, câu chuyện của hơn hai chục nhân vật, nhà văn muốn nói về sự lạc hậu của mô hình kinh tế cũ. Tác giả không chủ tâm tái hiện cuộc đấu tranh, giằng xé giữa con người với biển khơi mà tập trung khắc họa những cuộc vật lộn khác diễn ra trong bản thân con người.

Tuy nhiên, bao trùm lên sáng tác về biển đảo vẫn là cảm hứng nói về sự hy sinh thầm lặng, cao cả của những người lính ngày đêm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Biển đảo trong văn học Việt Nam từ khi đất nước thống nhất - 1

Một số tác phẩm văn học về chủ đề biển đảo. (Ảnh minh họa)

Bắt đầu từ cuối thập niên 80 đến nay, biển đảo trở thành điểm nóng khi biển Đông dậy sóng trên bản đồ chính trị khu vực và quốc tế. Khi mà những vết thương chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam vẫn còn rỉ máu thì chúng ta chứng kiến Gạc Ma bị chiếm đóng (1988). Đặc biệt, đầu tháng 5 năm 2014, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và thế giới, giàn khoan HD 981 của Trung Quốc ngang nhiên tiến vào hải phận Việt Nam, thách thức chủ quyền lãnh thổ của nước ta. Bắt đầu từ đây, những tên gọi Trường Sa, Hoàng Sa vang lên khẩn thiết, chạm vào trái tim của tất cả những người dân yêu nước. Ý thức chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ đã đưa cảm hứng viết về biển đảo nhanh chóng đạt tới cao trào. Có thể nói, chưa bao giờ văn học về biển đảo lại chiếm được sự quan tâm của công chúng nghệ thuật như mấy thập niên vừa qua. 

Thành tựu văn học Việt Nam đương đại về biển đảo thể hiện rõ qua các thể loại với sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Về thơ, đáng chú ý là Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn (Trần Đăng Khoa, 1981); Biển (Hữu Thỉnh, trường ca, 1994); Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến, 2009); Tổ quốc gọi tên (Nguyễn Phan Quế Mai, 2010); Mộ gió (Trịnh Công Lộc, 2011); Nghe trẻ hát ở Trường Sa (Ngô Minh, 2011); Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý, trường ca, 2013); Biển mặn (Nguyễn Trọng Tạo, trường ca, 2015); Tổ quốc (Nguyễn Thế Kỷ, 2015); Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh (Phan Hoàng, 2015); Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật, trường ca, 2018); Quần đảo tráo tên (Đỗ Quyên, trường ca, 2024)…

Là người ấp ủ viết về biển đảo từ sớm nhưng mãi sau mới viết Biển mặn như để trả món nợ lòng, Nguyễn Trọng Tạo nhìn người lính đến với biển là để tiếp nối truyền thống giữ nước của cha ông: “Cha đã lính. Bây giờ con lại lính/ Những thế hệ nối nhau đi giữ nước non nhà/ Xưa cha Trường Sơn Rừng. Nay con Trường Sơn Biển/ Những hòn đảo dựng vòng cung phòng tuyến/ Dựng tin yêu từ phía mặt trời lên”.

Còn Nguyễn Phan Quế Mai cất lên những giai điệu hào hùng khi nghe tin lãnh hải bị “kẻ lạ” xâm phạm: “Tổ quốc của tôi! Tổ quốc của tôi/ Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông”.

Với cái nhìn quặn thắt khi nhìn về Tổ quốc, Nguyễn Việt Chiến tự hào và đau đớn: “Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/ Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân”…

Biển đảo trong văn học Việt Nam từ khi đất nước thống nhất - 2

Tranh minh họa.

Có thể nói, thơ viết về Trường Sa, Hoàng Sa trong mấy chục năm qua đã góp phần kích hoạt diễn ngôn dân tộc trong văn học đương đại, phát huy tinh thần yêu nước của mọi người dân, kể cả những người con đang sống ở xa Tổ quốc. Đến nay, nhiều bài thơ về biển đảo đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, được phổ nhạc, chuyển thể sân khấu, điện ảnh và nhanh chóng phát huy sức lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn. 

Văn xuôi đương đại về biển đảo cũng rất phong phú. Nhanh nhạy nhất là ký sự, ghi chép và truyện ngắn. Nhiều truyện, ký của Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị, Phan Văn Quý, Lữ Mai - Trần Thành… đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng nghệ thuật, khơi thức tình yêu biển đảo quê hương của họ. Trong số tác phẩm truyện ký về Trường Sa, Đảo chìm của Trần Đăng Khoa là một tác phẩm được nhiều người tìm đọc. Tác giả viết về lính đảo ở cự ly gần, chân thực, sinh động. Đã từng có nhiều năm là lính đảo, Trần Đăng Khoa viết về họ như viết về chính mình. Đó là nguyên nhân cơ bản tạo nên sức hút của tác phẩm này. Nó cũng cắt nghĩa vì sao Đảo chìm nhanh chóng giữ kỷ lục về số lần tái bản. 

Tiểu thuyết về biển đảo trong văn học sau 1975 khiêm tốn hơn về số lượng vì tính quy mô của thể loại. Tuy nhiên, có thể kể đến một số tiểu thuyết đáng chú ý như Gió không thổi từ biển (Chu Lai, 2004); Sóng chìm (Đình Kính, 2008); Biển xanh màu lá (Nguyễn Xuân Thủy, 2008); Biển (Trương Anh Quốc, 2010); Biển xanh, Vùng biển không yên tĩnh (Chu Văn Mười, 2014); Biển bây giờ vẫn khát (Trần Khánh Toàn, 2022)… Về cơ bản, các bộ tiểu thuyết đều nỗ lực tái hiện tinh thần quả cảm của quân dân vùng biển trước muôn vàn khó khăn gian khổ để giữ vững sự bình yên của Tổ quốc.

Trong những năm gần đây, sáng tác về biển đảo không chỉ hướng tới người đọc lớn tuổi mà còn hướng tới người đọc trẻ thơ. Trong số tác phẩm viết cho thiếu nhi, đáng chú ý là Nguyễn Xuân Thủy với Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa, Sương Nguyệt Minh với Trường Sa kỳ vĩ và gian lao, Trần Thu Hằng với Hải âu tìm cha, Bùi Tiểu Quyên với Cà Nóng chu du Trường Sa, Trường Sa! Biển ấy là của mình (2 tập), Hồ Huy Sơn với tập thơ Trái tim của đảo

Những phác thảo chưa thật đầy đủ trên đây về văn học biển đảo cho thấy đội ngũ văn nghệ sĩ luôn luôn hướng tới biển đảo bằng tình cảm hết sức sâu đậm. Trong cái nhìn của họ, biển đảo là quê hương, máu thịt của mỗi người. Mặc dù số lượng viết về biển đảo khá phong phú nhưng có một thực tế là vẫn còn ít sự đột phá về tổ chức cấu trúc và bút pháp, giọng điệu. Vì thế, để có được những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ, nhà văn vẫn phải tiếp tục nghiền ngẫm sâu hơn về một chủ đề vừa mang tính thời sự vừa có ý nghĩa lâu dài như biển đảo. 

Trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới phức tạp, khó lường hiện nay, vấn đề biển đảo ngày càng có vị trí quan trọng, đặc biệt là với quốc gia có bờ biển dài tới 3.260 km như Việt Nam. Hướng biển vì thế là hướng mở, hướng của khát vọng vươn tầm. Với cái nhìn như thế, độc giả luôn chờ đợi nhà văn phải biết biến tình yêu Tổ quốc và biển đảo thành những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Tất cả phải xuất phát từ một bước ngoặt lớn trong nhận thức: tâm thức Việt chính là tâm thức biển.

Nguyễn Đăng Điệp

Tin liên quan

Tin mới nhất

Loại cá bán đầy chợ Việt giàu omega-3 hơn cá hồi, xưa ít người ăn nay thành đặc sản, "thuốc bổ" cho mẹ bầu nếu ăn đúng cách

Loại cá bán đầy chợ Việt giàu omega-3 hơn cá hồi, xưa ít người ăn nay thành đặc sản, "thuốc bổ" cho mẹ bầu nếu ăn đúng cách

Đây là một trong những loài cá biển giàu dưỡng chất bậc nhất, không chỉ nổi bật bởi hàm lượng omega-3 cao mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu chỉ nên ăn với lượng nhỏ, không ăn thường xuyên, và tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi đưa vào thực đơn dinh dưỡng trong thai kỳ.