Đã đi với nhân dân, thì thơ không thể khác (Đọc “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe” của Phùng Quán)

Trong “Ba phút sự thật”, Phùng Quán cho biết, sau 30 Tết không đến chúc Tết Tố Hữu, năm 1992 ông cùng vợ đến chúc tết nhà thơ Tố Hữu. Đến chúc Tết Tố Hữu, Phùng Quán “ngại nhất” là nhà thơ đã đọc bài “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”, ông “thầm hi vọng là nhà thơ chưa đọc” (Phùng Quán, Ba phút sự thật, NXB Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 18). Vậy điều gì làm Phùng Quán lo ngại nếu Tố Hữu đã đọc bài thơ này?

Với Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Phùng Quán đã sáng tạo ra một tứ thơ hay, độc đáo: đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe trong một đêm ở Nghi Tàm. Trong thời gian và không gian cụ thể (đêm Nghi Tàm), nhà thơ đọc thơ Đỗ Phủ, không phải chỉ có một mình mà đọc cho vợ cùng nghe (đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe). Với tứ thơ độc đáo ấy, nhà thơ có điều kiện triển khai tứ thơ thành nhiều ngả, vừa phong phú vừa sâu sắc, tựu trung làm nổi bật con người Đỗ Phủ và đặc trưng thơ ca của đại thi hào. Với tứ thơ đặc sắc ấy, Phùng Quán vừa thể hiện được những suy tư của mình, vừa nói được sự tiếp nhận của người nghe (của người vợ mình) về thơ Đỗ Phủ, hướng tới việc đánh giá về con người và sự nghiệp thơ ca của Đỗ Phủ, đồng thời nói lên được niềm khao khát, ước vọng của mình về sứ mệnh của thơ ca.

Đã đi với nhân dân, thì thơ không thể khác  (Đọc “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe” của Phùng Quán) - 1

Nhà thơ Phùng Quán

*

Mở đầu bài thơ, Phùng Quán, bằng vài chi tiết chọn lọc, đã gợi lên được cả không gian và thời gian, khi ông đọc thơ Đỗ Phủ: “Ngoài trời trắng như tuyết/  Trắng lạnh đến thấu xương/ Trong nhà vách trống toang/ Gió ra vào thỏa thích…/ Hồ khuya sương tĩnh mịch/ Trộn nước lẫn cùng trời/ Con dế chắn bờ dậu/ Nỉ non hoài không thôi… / Tựa lưng ghế cành ổi/ Vai khoác áo bông sờn/ Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ/ Vợ vừa nghe vừa đan…”.

Những ai quen biết Phùng Quán, đều có thể nhận ra, nơi ông ngồi đọc thơ, chính là cái chòi dựng bên Hồ Tây, là ngôi nhà của ông, không gian riêng tư của ông, cái “vùng trời” riêng của ông. Ngoài trời “trăng như tuyết”, màu trăng được liên tưởng tới màu của tuyết; từ cái màu sắc của tuyết, liên tưởng lại đẩy tiếp một bước nữa, từ cái màu trắng mà dẫn đến cái cảm “Trắng lạnh đến thấu xương”. Trong nhà, “vách trống toang/ Gió ra vào thỏa thích”, vừa nói được cái trống trải của không gian, nhưng chủ yếu là làm nổi bật cái cái nghèo túng của chủ nhân. Sự đối lập, tương phản giữa ngoài trời với trong nhà càng làm rõ hơn, gây ấn tượng sâu hơn về cái hoàn cảnh khi nhà thơ đọc thơ Đỗ Phủ. Những nét vẽ bổ sung tiếp theo, cái không gian rộng lớn và tĩnh mịch, cái thời gian khuya khoắt, càng lúc càng làm nổi bật hơn, tạo nên ấn tượng sâu sắc về cải hoàn cảnh ấy: “Hồ khuya sương tĩnh mịch/ Trộn lẫn nước cùng trời/ Con dế chân bờ dậu/ Nỉ non hoài không thôi…”.

Như vậy, cái bối cảnh đọc thơ Đỗ Phủ hiện lên thật cụ thể với những chi tiết được chọn lọc kỹ, đầy ấn tượng, có đủ cả trăng như tuyết, cái lạnh đến thấu xương, có gió tự nhiên ra vào, có thời gian đêm khuya với hồ sương tĩnh mịch, có tiếng dế nỉ non hoài không thôi.

Trong cái bối cảnh ấy, nhân vật trữ tình – hình ảnh đồng dạng với nhà thơ xuất hiện: “Tựa lưng ghế cành ổi/ Vai khoác áo bông sờn/ Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ/ Vợ vừa nghe vừa đan…”. Những chi tiết rất chân thực này là những nét vẽ cuối cùng để hoàn tất một bức tranh, tạo nên được cái hoàn cảnh điển hình – hoàn cảnh nhà thơ đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe. Nghe nói, cái ghế cành ổi ấy là cái ghế do chính Phùng Quán tự làm bằng cành ổi; cái áo bông sờn ông khoác trên vai cũng là cái chi tiết biết nói, nói lên cái cảnh đời nghèo túng, cơ cực của ông - một chi tiết tương đồng dẫn gợi liên tưởng đến hình ảnh Đỗ Phủ nằm chết đói đắp mặt áo bông sờn được khắc họa ở giữa bài thơ.

Cảnh đọc thơ này có lẽ cũng là một cảnh thật, một cảnh sinh hoạt tinh thần nâng đỡ vợ chồng Phùng Quán vượt qua những năm tháng cơ cực, bần hàn, chồng chất những khó khăn gian khổ. Cái chất liệu của cuộc đời thực ấy là cái cội nguồn giúp ông sáng tạo nên một tứ thơ độc đáo: Ông đọc thơ Đỗ Phủ cho người vợ - người bạn đời nghe. Quả là “trong thơ có họa”.

Có thể nói, đoạn thơ mở đầu này là một trong những bức chân dung tinh thần tự họa của Phùng Quán được dệt bằng ngôn ngữ thơ ca. Cái hoàn cảnh đọc thơ Đỗ Phủ như thế, từ không gian, thời gian đến hình ảnh của nhân vật trữ tình đều có gì thật gần gũi, gợi liên tưởng đến cuộc đời và thơ ca của đại thi hào Đỗ Phủ. Đó chính là cái hoàn cảnh, và không chỉ là hoàn cảnh mà cả người đọc, người nghe thơ Đỗ Phủ nữa, thật phù hợp, thật điển hình và cũng thật “lí tưởng” để bước vào thế giới nghệ thuật thơ Đỗ Phủ. 

*

Sau khi tạo dựng thành công hoàn cảnh đọc thơ, Phùng Quán giới thiệu với ta những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Đỗ Phủ: “Đỗ Phủ tự Tử Mỹ/ Thường xưng già Thiếu Lăng/ Sinh ở miền đất Củng/ Cách ta hơn ngàn năm/ Thơ viết chừng vạn trang/ Chín nghìn trang thất lạc/ Người đời sau thu nhặt/ Còn được hơn ngàn bài/ Chỉ hơn ngàn bài thôi/ Nỗi đau đã Thái Sơn/ Nếu còn đủ vạn trang/ Trái đất này e chật!...”. Phác thảo mấy nét thôi, nhưng cũng tạm đủ, để ta hiểu sự nghiệp thơ ca của Đỗ Phủ. Chỉ hơn ngàn bài còn lưu truyền đến ngày nay, cũng đủ để thấy tầm vóc của một nhà thơ vĩ đại, nhà nhân đạo lớn, với nỗi đau đời thương dân sánh với núi Thái Sơn!  

Đoạn thơ tiếp theo, bằng sự cảm nhận tinh tế, đồng cảm sâu sắc, qua những chi tiết, những hình ảnh chắt lọc, đầy ấn tượng, Phùng Quán đã khái quát cao độ những đặc trưng cơ bản của thơ ca Đỗ Phủ. Câu thơ: “Thơ ai như thơ ông” được điệp đến 3 lần, mỗi lần lại khắc sâu một đặc điểm của thơ Đỗ Phủ. “Thơ ai như thơ ông/ Lặng im mà gầm thét/ Trang trang đều xé lòng/ Câu câu đều đẫm huyết” nói về nỗi đau đến xé lòng, cái lặng im mà gầm thét, đầy phẫn nộ của thơ Đỗ Phủ. Tiếp đến: “Thơ ai như thơ ông/ Mỗi chữ đều như róc/ Từ xương thịt cuộc đời/ Từ bi thương phẫn uất”, từ cách dùng từ đến cách nói đều tạo được ấn tượng sâu đậm: thơ Thiếu Lăng chính là máu thịt cùng với nỗi đau của cuộc đời, của nhân dân, cả nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần của nhà thơ.

Tiếp theo: “Thơ ai như thơ ông/ Kể chuyện mái nhà tốc/ Vác củi làm chuồng gà…/ Đọc lên trào nước mắt!” làm hiện lên trước mắt ta hình ảnh Đỗ Phủ mà cuộc đời, cảnh ngộ cũng chẳng khác chi nhân loại lầm than, khốn cùng; làm ta hiểu cuộc đời của nhà thơ vĩ đại gần gũi với thập loại chúng sinh biết bao, khiến ta trào nước mắt.

Vậy là, qua 3 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu, đều được mở đầu bằng câu: “Thơ ai như thơ ông”, với thủ pháp điệp cú pháp, từ ngữ chính xác, mỗi khổ thơ như những nét vẽ thật sắc sảo làm hiện lên những nét đặc sắc của thế giới nghệ thuật thơ Đỗ Phủ, vừa tạo được ấn tượng sâu sắc, như khắc, như chạm vào tâm trí người đọc vừa gợi lên được sự đồng cảm, xúc động mãnh liệt trong lòng người đọc.

Với đoạn thơ này, Phùng Quán là người hiểu sâu sắc đến nhường nào thơ ca của Đỗ Phủ. Người xưa nói: “Đọc bằng mắt thì văn chương chỉ thấm vào da thịt; đọc bằng tâm thì văn chương thấm vào gan ruột; đọc bằng thần thì văn chương thấm vào cốt tủy”. Quả là Phùng Quán đã đọc thơ Đỗ Phủ bằng thần vậy.  

Sau khi tạo nên được bức tranh về thế giới thơ Đỗ Phủ, đến đoạn thơ tiếp theo, ngòi bút Phùng Quán mới tập trung khắc họa hình ảnh nhà thơ vĩ đại, ở cái thời khắc bi thương nhất. Không chỉ thơ ca mà chính cuộc đời ông gắn bó máu thịt với nhân dân, thuộc về nhân dân: “Giữa tuyết trong đò con/ Đỗ Phủ nằm chết đói/ Đắp mặt áo bông sờn/ Kéo hoài không kín gối”. Hỡi ôi, nhà thơ vĩ đại bậc nhất của Trung Hoa (và cũng là của cả nhân loại nữa) chết vì đói rét, chết khốn chết khổ như thế này đây! Cái chết của ông là niềm đau, nỗi nhức nhối không phải của một thời mà là của muôn đời: “Ngàn năm nay sông Tương/ Sóng còn nức nở mãi/ Khóc chuyện áo bông sờn/ Đắp mặt thơ chết đói!...”.    

*

Khi cảm xúc đã được đẩy tới cao trào, từ cái nhìn bao quát về thời gian “Ngàn năm nay sông Tương…”, điểm nhìn của tác giả hướng tới và ngưng đọng lại ở sự tiếp nhận của người vợ, người đang nghe chồng mình đọc thơ Đỗ Phủ. Nếu đoạn mở đầu bài thơ, người vợ mới hiện ra như là người vừa nghe thơ vừa đan (“Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ/ Vợ vừa nghe vừa đan”) thì đến đây, cái tứ thơ hay, độc đáo, mới thực sự có sự góp mặt của người vợ, để tác giả khai thác tâm trạng, thái độ của người nghe thơ, tiếp tục mở ra thêm một tầng ý nghĩa nữa của bài thơ: “Giật mình trên tay vợ/ Bỗng nẩy một hạt sương/ Hạt nữa rồi hạt nữa/ Tôi nghẹn dừng giữa trang./ Kéo áo bông che vai/ Ngồi lặng nghe sương rơi/ Con dế chân bờ dậu/ Nỉ non hoài không thôi!...”.

Hình ảnh ẩn dụ “hạt sương” chỉ giọt nước mắt rơi vào tay người đang đan áo, một hạt, hạt nữa rồi hạt nữa, là hạt sương của lòng người, hòa với những hạt sương của thiên nhiên, lại được bổ sung thêm tiếng dế nỉ non; tất cả những chi tiết, hình ảnh, âm thanh đó đã tạo nên một không gian yên tĩnh và cái xúc động của lòng người, của cả người đọc và người nghe thơ Đỗ Phủ.

Cũng từ đây, cái tứ của bài thơ không chỉ được triển khai như là người đọc thơ và nghe thơ Đỗ Phủ mà còn là sự trò chuyện giữa hai người, được biểu hiện qua những cử chỉ, lời nói: “Vụng về… tôi dỗ vợ”, cùng với tiếng gọi: “Em ơi…”, tạo đà cho tác giả đưa ra một khái quát về thân phận nhà thơ: “Ôi thân phận nhà thơ/ Khác nào thép không rỉ/ Ngàn năm cũng thế thôi!...”, và tung ra tuyên ngôn sâu sắc về thơ ca:

Đã đi với nhân dân

Thì thơ không thể khác

Dân máu lệ khốn cùng

Thơ chết áo đắp mặt!

Những câu thơ trên vang lên như một châm ngôn. Từ cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của nhà thơ vĩ đại Đỗ Phủ, Phùng Quán đã đúc rút thành một khái quát cao độ, sâu sắc, là một tuyên ngôn về thơ, rất tiêu biểu cho một khuynh hướng lớn của thơ ca ở mọi thời đại. Cũng có thể xem: “Thơ chết áo đắp mặt!” là một biểu tượng về nhà thơ và thơ ca chân chính trong thời đại “Dân máu lệ khốn cùng”. Vì gắn bó máu thịt, sống chết cùng nhân dân, những nhà thơ đó sẽ trở nên bất tử, không chỉ là nhà thơ của một thời mà là nhà thơ của mọi thời đại, không chỉ là thơ của một dân tộc mà là nhà thơ của cả nhân loại.

Đoạn thơ tiếp theo, những ý thơ được tạo dựng dựa trên cơ sở, cái cớ cuộc trò chuyện của nhà thơ với vợ, trong cái tình huống đọc thơ Đỗ Phủ (cho vợ nghe). Cứ mỗi lần hai tiếng “Em ơi…” vang lên như một điệp từ, tác giả lại tung ra một giả thiết, một ý thơ sâu sắc. Cái giả thiết ở đây đã tạo nên sự tương phản gay gắt. Nếu Đỗ Phủ sống giàu sang no đủ thì không thể viết được những câu thơ nói về sự đói rét khốn cùng của nhân dân, những câu thơ như lửa cháy: “Em ơi, nếu Đỗ Phủ/ Vai khoác áo lông cừu/ Bụng no đến muốn mửa/ Viết sao nổi câu thơ/ Ngàn năm cháy như lửa: Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chết buốt”. Nếu Đỗ Phủ không cùng cảnh ngộ với nhân dân thì cũng không sao thấu hiểu họ.

Cũng không thể viết được những câu thơ đầy xúc động nói về hoàn cảnh sống của mình gần gũi biết bao với cảnh ngộ của người dân nghèo khó: “Em ơi, nếu Tử Mỹ/ Nhà ở rộng mười gian/ Rào sắt với cổng son/ Thềm cao đá hoa lát/ Chắc ông không thể làm/ Mưa thu mái nhà tốc”. Nếu như Đỗ Phủ không gần gũi, sống cùng nhân dân, sống với nhân dân thì làm sao ông có thể nghe thấy và đồng cảm sâu sắc với tiếng gào, tiếng thét uất hận của nhân dân: “Em ơi, nếu Thiếu Lăng/ Cặp kè vợ béo nứt/ Một bước là ngựa xe/ Đứng đi quân hầu chật/ Đời nào ông lắng nghe/ Tiếng gào và tiếng nấc/ Bà cụ xóm Thạch Hào/ Gái quê tân hôn biệt…”.

Như vậy, các giả thiết này, những tương phản này, dẫu có mở ra nhiều ngả, nhiều hướng, nhưng đều làm hiện hiện lên thế giới nghệ thuật thơ Đỗ Phủ, qua đó làm nổi bật hình tượng Đỗ Phủ như một nhà thơ biết bao gần gũi, cùng xương cùng thịt với nhân dân, đặng làm nổi bật tư tưởng cơ bản của bài thơ, được đúc kết qua mấy câu thơ đã từng xuất hiện ở đoạn thơ trước, vang lên như một điệp khúc: “Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng/ Thơ chết áo đắp mặt!”. Đó là một tư tưởng lớn và sâu sắc biết bao.

Thiết nghĩ, đến đây, bài thơ đã có thể khép lại. Có thể là, tác giả nghĩ, nếu kết thúc ở đây, thật sâu sắc, đầy ấn tượng nhưng có vẻ bi thương quá, có thể là sẽ dìm người đọc trong buồn thương, bi lụy. Thành ra, bài thơ được nối dài thêm một đoạn: “Chính vì thế em ơi […]. / Đừng buồn nữa em ơi/ Chuyện ngàn năm… ngàn năm” để nói lên cái ước vọng về sứ mệnh của thơ ca và cái khát vọng về cuộc đời. Đây cũng là cái khuynh hướng vận động chung của tứ thơ trong nhiều bài thơ Việt Nam từ 1945 đến 1975, một bằng chứng về sự tác động, ảnh hưởng của tư tưởng thời đại đối với văn học, nghệ thuật dường như không thể cưỡng lại nổi, khó có thể thoát ra được, của thời đại chúng ta.     

*

Những nhân tố nào làm nên cái hay của bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe? Tuy có sự khác nhau về dân tộc, về thời đại, về tầm vóc, nhưng giữa Phùng Quán và Đỗ Phủ phần nào đó có sự tương đồng về cảnh ngộ, “cùng một lứa bên trời lận đận”, dẫn đến sự đồng cảm sâu sắc. Cùng với sự đồng cảm, sự nếm trải là sự chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ. Cố nhiên, không thể không nói đến tài năng thơ ca của Phùng Quán. Có thể nói, Phùng Quán đã viết bài thơ này bằng sự chiêm nghiệm và trải nghiệm của một nhà thơ mà cuộc đời, số phận của ông, ở một chừng mực nào đó, cũng có những nét tương đồng với Đỗ Phủ. Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe là tiếng nói tri âm của Phùng Quán với nhà thơ vĩ đại Đỗ Phủ. 

Phùng Quán lo ngại, nếu Tố Hữu đã đọc bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe của ông, những câu thơ: “…Em ơi, nếu Tử Mỹ/ Nhà ở rộng mười gian/ Rào sắt với cổng son/ Thềm cao đá hoa lát/ Chắc ông không thể làm/ Mưa thu mái nhà tốc…” “có thể làm nhà thơ nghĩ rằng có sự ám chỉ cá nhân…”. Nhưng thật bất ngờ, sau khi niềm nở bắt tay Phùng Quán, nhà thơ Tố Hữu nói: “Cậu có đọc bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, bài thơ được lắm”. Phùng Quán “thực sự bất ngờ trước lời khen về bài thơ đó  […]. Lời khen bất ngờ này toát ra vẻ đẹp trong trắng của tâm hồn nhà thơ: với thơ bao giờ cũng hoàn toàn vô tư” (Phùng Quán, Ba phút sự thật, NXB Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 18).

Thế đấy, những bài thơ xuất sắc xưa nay bao giờ cũng là tiếng nói chân thành, chân thật, là chính tâm hồn, máu thịt của nhà thơ, hướng đến những gì trong sáng, cao đẹp, nhân văn. Với một tứ thơ hay, độc đáo, triển khai được những ý thơ sâu sắc, xây dựng thành công hình tượng và biểu tượng đặc sắc, đầy ám ảnh, ngôn ngữ sắc sảo, cô động, hàm súc, bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe xứng đáng là một kiệt tác mà Phùng Quán góp vào nền thơ hiện đại Việt Nam.

Trần Đăng Suyền

Tin liên quan

Tin mới nhất