Khoai lang Thanh Yên
Sau hơn 30 năm, nay tôi mới gặp lại cô bạn Lan thời để chỏm. Lan nhìn xa xăm, rồi nói:
- Hữu ơi! mình nhớ khoai lang làng mình quá đi thôi!
Đúng! không nhớ sao được, bọn tôi lớn lên nhờ khoai lang. Cơ thể mỗi người làng tôi tồn tại và phát triển là nhờ khoai lang. Mỗi khi nghĩ đến quê, tôi lại nhớ khoai; quê và khoai là hai thứ không thể tách rời trong nỗi nhớ của tôi. Hơn ba mươi năm xa quê, lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc, nhưng tôi chưa thấy khoai nơi nào thơm ngon bằng khoai làng tôi, ai một lần ăn thì nhớ mãi cái hương vị ngọt bùi và thơm lạ của khoai làng quê ấy.
Làng tôi ở Nông Cống, mới nghe người ta bảo vùng chiêm trũng làm gì có khoai lang. Nhưng không! làng tôi là vùng bán sơn địa, là cầu nối giữa vùng đồng trũng hữu ngạn con sông Yên và đồi núi Như Xuân, mảnh đất cát pha trời phú chỉ vài cây số vuông như cái quạt xòe ra dưới chân những đồi sim tím ngắt. Xưa làng tôi là Kẻ Đảm, thời Lê làng tôi tên Ngọc Thiện, thời Nguyễn gọi là Thượng Văn. Không hiểu kiêng cử ra sao người ta gọi làng tôi với nhiều tên: Thượng Vận, Thượng Vấn, Thượng Vạn, Thượng Vặn, nên có người còn đùa gọi là Thượng Xoắn!
Vắt qua, chia đôi làng tôi là con đường thượng đạo Bắc -Nam, cánh đồng khoai có tên gọi Thanh Yên đầy nắng và gió nằm gọn ở phía tây con đường. Nơi đây nghĩa quân Tây Sơn đã dừng chân năm 1786 khi ra diệt Trịnh phù Lê, cũng cánh đồng này năm 1802 chứng kiến quân chủ lực Tây Sơn tan rã, voi chiến Tây Sơn lang thang vì cuối đường mất chủ. Cánh đồng cũng không ít lần đã ngập tràn lửa đạn của tàu bay Mỹ vì có huyết mạch chi viện cho chiến trường.
Ảnh minh họa
Khoai làng tôi trồng nhiều từ ngày ông tổ họ Bùi của làng từ Quỳnh Lưu ra lập nghiệp cách đây gần 300 năm. Chiều chiều chúng tôi thường chăn trâu, thả diều, hái cỏ chọi gà. Cỏ gà đồng Thanh Yên đẹp như bầy gà ri no thóc, con nào con nấy như có đủ lông, đủ cánh, sắc màu sặc sỡ, bóng mượt. Chiều về trên đồng mùi cỏ mật thơm ngọt quyện với tiếng sáo diều. Ngày trồng và thu hoạch khoai làng tôi như trẩy hội, người người tấp nập ra đồng. Khoai trồng xuống gặp mưa xuân ngọn lên tua tủa như chông, lá non xòe ra đón nắng như bàn tay con nít. Khoai làng tôi trồng tháng giêng, thu hoạnh đầu tháng năm âm lịch. Giống khoai nào trồng trên đất Thanh Yên cũng nhiều củ, thơm ngon. Riêng giống khoai Ổ, còn gọi là khoai Lim, vỏ màu tím đỏ thì không giống nào bì kịp, đã nhiều củ lại bở tơi, thơm bùi, ngọt lịm. Khoai tháng năm luộc khi chín, vỏ nứt khoe ruột bột trắng như bông, tỏa mùi thơm phức, củ nào vỏ đỏ chúng tôi chọn trước. ăn bột thấm vào đầu lưỡi có vị như đậu xanh chính vụ. Trước khi ăn chúng tôi thường cầm củ khoai đang nóng hít hít mùi thơm ấm ngọt, cho đỡ hắt hơi sổ mũi. Khoai mới đào đã ngon, để lâu lại càng ngon.
Tôi thích nhất là khoai để mọc mầm, đào từ tháng năm, sau vài tháng những củ khoai xếp như con cờ domino dưới gầm giường mọc mầm đỏ tía; khi luộc, củ khoai không còn nở bung phấn trắng nữa mà chuyển thành màu hổ phách trong suốt, mật chảy cả ra ngoài vỏ. Bọn trẻ con chúng tôi cứ liếm hết thứ mật ngọt lịm như mật ong rừng ấy rồi mới bóc lớp vỏ để ăn phần ruột dẻo kẹo ngọt như kẹo mạch nha. Khoai ổ mọc mầm luộc chín xắt lát phơi khô trong như thạch, đi học chỉ cần vài mẩu bỏ vào miệng từ nhà đến trường, cứ thơm thơm, man mát, ngòn ngọt thấm vào đầu lưỡi không dám nuốt ngay; có khi một lát khoai phải cắn thành nhiều mẩu để bọn trẻ cùng lớp mỗi đứa một tí.
Tuyệt nhất là ăn khoai luộc và uống nước chè xanh. Triền đồi đất đỏ bazan bên cánh đồng Thanh Yên là làng Vạn Thành. Vạn Thành nhiều chè. Chè Vạn Thành lá nhỏ, dày, màu hơi vàng bóng mượt; khi vò lá giòn gẫy nghe răng rắc, vụn tan trong tay. Nước chè xanh hãm trong ấm sành, ủ trong giỏ thân cây mít, rót ra vàng sánh màu mật ong rừng, ăn một miếng khoai bột, hớp một ngụm chè xanh, bùi ngọt của khoai quyện với chát dịu của chè thật khoái.
Nhớ nhất là Lan nhắc lại chuyện mót khoai. Ngày nghỉ hè, sau những trận mưa rào, những củ còn sót lại bị trụi hết đất nổi lên trắng, đỏ thành "khoai dại" giữa ruộng đất cát pha mịn mềm. Chưa ngớt cơn mưa chúng tôi đầu trần, chân đất chạy ào ra đồng gom nhặt đầy rổ những củ "khoai dại" khênh ỳ ạch về nhà. Có hôm nhặt được nhiều không khênh nổi tôi ngồi òa khóc giữa đồng. Cảm giác sung sướng nhất là đi cuốc khoai mọc mầm. Sau khi thu hoạch khoảng hai tháng, những củ khoai còn sót ủ dưới đất gặp mưa, mầm đội đất lên. Cứ thấy màng cát mỏng bị đẩy lên bởi những mầm tím đỏ, thì dưới đó đích thị là một củ khoai được đất ấm nuôi tròn căng ngọt lịm. Cảm giác thấy mầm khoai đội đất nhô lên thật khó tả, như thấy quả trứng đang từ từ nứt ra, gà con sắp nở, cứ lâng lâng hồi hộp. Những củ sót nằm dưới mặt đất chưa thành "khoai dại" "khoai mầm" chúng tôi thường cuốc xới để tìm. Một hôm, tôi và Lan hai đứa thi nhau cuốc từ hai đầu của một luống khoai hợp tác vừa thu hoạch, để khi gặp nhau xem đứa nào được nhiều khoai hn. Hai đứa mải mê cắm đầu cuốc, lưỡi cuốc của tôi bổ vào đầu Lan, máu chảy lênh láng. Hoảng quá, tôi nhai vội lá khoai đắp lên vết thương, rồi cõng Lan tắt đồng về nhà. Lan thì đau trên đầu, còn tôi thì đau trong ruột, giờ trên đầu Lan vẫn còn vết sẹo nhỏ.
Cuộc đời mẹ tôi gắn với khoai, bà chỉ có khoai và khoai. Bà hiểu cây khoai còn hơn cả mình. Hết trồng rồi chăm xới, rồi thu hoạch… Sau Tết nguyên đán là những tháng giáp hạt, mọi nhà thường hết lương thực, đi làm đồng về mẹ tôi phải ghé qua đồng khoai hái một nón ngọn khoai về luộc, cả nhà ăn thay cơm, rất ngọt và giòn, ăn no vẫn thèm. Thường ngày có hạt cơm nào mẹ tôi dành cho con hết, bà thường nhặt những hạt cơm dính quanh lát khoai để tôi ăn. Bà thường nói: Cơm không độn khoai ăn nhạt miệng. Nhà 6 chị em, chị cả mất khi chị mới 4 tuổi. Cha tôi mất khi tôi còn phải bế trên hông, chị hai lúc đó mười hai tuổi, thằng út chưa đầy năm đang còn bế ngửa, mẹ nuôi chúng tôi khoai cũng phải tằn tiện mới đủ ăn. Một kỷ niệm tôi không bao giờ quên: lúc đó là năm 1969, trong nhà chỉ còn chưa đầy nửa lon gạo và mấy củ khoai cuối cùng. Trước khi đi làm mẹ tôi dặn: “Con lấy khoai cạo vỏ, nấu cháo cùng gạo”. Khi làm đồng về mẹ tôi thấy những mảnh vỏ khoai tôi gọt ra hơi dày, bà im lặng nhặt những mảnh vỏ khoai ấy, rửa sạch bỏ vào nồi cháo đang sôi trên bếp. May mà chúng tôi có người mẹ tảo tần và khoai làng tôi đặt xuống là có lá, có củ nên chị em tôi qua được những tháng ngày cơ cực.
Tháng năm thu hoạch khoai là tháng mẹ tôi phải thức suốt đêm để thái khoai phơi cho được nắng, còn ban ngày phải đi đào khoai rồi gánh về nhà. Tôi nhớ, vào dịp ấy tay mẹ tôi nhựa khoai dính đầy đen nhẻm, bế tôi tay mẹ cứ ram ráp. Khoai được nắng bỏ vào chum đậy lá chuối khô khi mở ra thơm phức, dành ăn cả năm. Khoai khô nấu với đậu, lạc và gạo nếp, bỏ vào cối giã với ít muối vừng thì không gì bằng. Chúng tôi đi đâu xa về mẹ tôi thường hỏi: “Bay đi lâu rứa răng không nhớ khoai?”.
Những thập kỷ sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ hai mươi, bộ đội thường qua làng vào Nam, hàng ngày mẹ tôi phải dậy từ hai ba giờ sáng để đi cày, cấy lấy nhiều công điểm. Mẹ dặn chị em tôi ở nhà nhớ luộc một nồi khoai to, khi nào các chú bộ đội hành quân qua mời các chú ăn. Hôm nào bộ đội không qua hoặc không kịp ăn mẹ tôi lại buồn. Nhiều bận bộ đội về làng, mấy chú cứ ăn khoai để cơm lại cho bọn tôi ăn. Riêng ông Giáo sư, bác sĩ Mộc người Hà Nội, Viện trưởng viện Quân y, ngày ấy khám sức khỏe cho cả làng, ông phát hiện làng tôi không một ai bị bệnh đường tiêu hóa, nhờ ăn nhiều khoai. Ông bị thương ở chiến trường mất mấy mét ruột nên rất thích ăn khoai nướng. Hôm nào tôi cũng vùi cho ông hai, ba củ khoai đỏ vào bếp. Ông yêu quý tôi rồi chữa khỏi hẳn bệnh hen suyễn cho tôi.
Không phải đến bây giờ củ khoai đã chế biến thành hàng chục loại sản phẩm giá trị trên khắp thế giới, ngọn khoai xào tỏi là đặc sản với dân thị thành, mà mọi bộ phận của cây khoai từ xưa được dân làng tôi tận dụng bằng hết. Lợn ỷ ăn rau khoai già thịt chắc thơm, trâu bò ăn thân cây khoai, còn gọi là "chạc khoai" thì béo tròn, cày khỏe. Lá khoai làng tôi mùa hè nấu canh với cua đồng Mờn, hay nấu với vài thìa mắm cáy làng Quần Bối, ăn không thể nào quên được, nó còn là vị thuốc cho mọi đấng mày râu.
Bây giờ cuộc sống đang đua tốc độ, nào ô tô, xe máy, máy bay, tên lửa, điện thoại di động, rồi internet… nhưng không ít người quay lại với gà đồi, lợn mán, rau má, dong riềng; quay lại với cây đa bến nước, với ca dao, dân ca, với những âm điệu mặn mà của những miền quê… Còn chúng tôi cũng có một góc nhỏ để nhớ, để thèm, để quay về, để luyến tiếc- đó là khoai lang của cánh đồng Thanh Yên làng Thượng Văn, Nông Cống quê tôi.

Năm nào tôi cũng về quê nhiều lần, nhất là vào dịp giỗ, tết, hiếu hỉ… Tuy nhiên, lần này tôi về quê chẳng phải vì...
Bình luận