Nghiêm Thanh với “Ngược dòng thế sự 3” thơ trào phúng tuyển chọn

Nhà báo, nhà văn Nghiêm Thanh quê gốc Hải Dương, sinh năm 1941. Ông là cử nhân khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Quảng Ninh (1978 - 1989), Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ báo Nhân Dân. Ông làm thơ, viết phê bình sân khấu. Đáng chú ý là ông có ba tập sách liên hoàn thơ châm biếm, trào lộng mang tên “Ngược dòng thế sự” (2020), “Ngược dòng thế sự 2” (2022) và “Ngược dòng thế sự 3” (Nxb Hội nhà văn, 2024).

Ngược dòng thế sự 3 là "thơ tuyển chọn" dày 333 trang. Sách có 240 bài, trong đó số lượng bài ở phần I - Thơ châm biếm là 210, ở phần II - Thơ trào lộng là 30; tiếp đó là phần phụ lục (không đặt tên) gồm thơ họa, những ý kiến của bạn đọc, đồng nghiệp và thơ tự trào.

Nghiêm Thanh với “Ngược dòng thế sự 3” thơ trào phúng tuyển chọn - 1

"Ngược dòng thế sự 3" là "thơ tuyển chọn" dày 333 trang.

Bài Khơi thông dòng chảy thơ trào phúng do tác giả viết "thay lời tựa" không dài nhưng công phu. Đấy như một chuyên luận, phác thảo một phần bức tranh trưởng thành và phát triển của thơ trào phúng Việt Nam hiện đại. Ông khẳng định thành tựu của dòng thơ trào phúng xưa kia và sáu bảy mươi năm mới đây. Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động thực tế hiện nay của nền văn học nước nhà, tác giả đã phải phát biểu: "Đáng tiếc là những năm gần đây, (thơ trào phúng) dường như chững lại.

Mặt báo thưa dần, hầu như vắng bóng những bài thơ "chữa bệnh", phá vỡ ung nhọt của những thói tật thâm căn cố đế, những biến thái của tiêu cực, những sự việc tham ô, nhận và đưa hối lộ, những thủ đoạn tiến thân, những mánh khóe buôn lậu, lừa đảo, kết bè kéo cánh chia chác lợi ích bất chính, thói quan liêu, hống hách, những hiện tượng tréo ngoe trái luân thường, đạo lý, đi ngược những giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Không được chăm sóc chu đáo, hụt hẫng nơi đăng đàn, các nhà thơ muốn chăm mà bút chẳng còn nhọn. Các cuộc thi văn chương, và trao giải ít thấy, đúng hơn là rất hiếm đối với thơ trào phúng... Điểm nghẽn đang chắn lối, cản đường, khiến khó tránh khỏi sa sút (...).  Những trăn trở, suy tư và nguyện vọng chính đáng của những người làm thơ châm biếm, thơ trào lộng cần được xem xét và giải quyết bài bản, nghiêm túc, toàn diện".

Thiển nghĩ, nỗi niềm nghề văn nêu trên của nhà báo, nhà văn Nghiêm Thanh là rất thật lòng, rất chính đáng, có thể được một bộ phận tác giả, độc giả đồng tình. Nhưng nhìn ở phía khác thì lại thấy, văn học nghệ thuật có quy luật vận động nội tại mang tính lịch sử - xã hội riêng của nó. Không hẳn cứ văn hóa, đạo đức có chiều hướng xuống cấp (thậm chí còn có thêm một số hiện trạng xấu xa, ác độc kinh hoàng xảy ra mà trước kia ít thấy), thì văn học trào phúng dứt khoát càng phải phát triển hơn. 

Trở lại với tập thơ nêu trên, trước tiên, rất hoan nghênh nhà báo, nhà văn Nghiêm Thanh đã dồn tâm dồn sức, triệt để sử dụng năng lực sáng tạo thơ ca của mình để gửi đến bạn đọc một khối lượng bài thơ châm biếm - trào lộng rất đáng trân trọng. Những ngày tháng này, có thể có ít người sáng tác như ông, nhưng ông hẳn vẫn có đông bạn đọc. 

Nếu đọc kỹ, bạn đọc sẽ thấy những ưu điểm về thơ châm biếm - trào lộng của Nghiêm Thanh.

Nghiêm Thanh với “Ngược dòng thế sự 3” thơ trào phúng tuyển chọn - 2

Nhà báo, nhà văn Nghiêm Thanh tặng bạn tập thơ mới xuất bản của ông.

Một là, tác giả có nhiệt huyết, có bút lực viết thơ loại đặc thù này, khi mà mọi người cất công tìm ra dăm bảy tác giả khác như ông hiện nay là rất khó.

Hai là, đối tượng hiện thực mà tác giả hướng tới là muôn mặt con người, muôn vẻ đời sống (sự vật, sự việc, hiện tượng...). Có thể nói ông đã dùng thơ để điểm mặt gọi tên một cách mạnh mẽ hầu hết những cái sai trái, xấu xa, ác độc từ lương tâm đến hành động, đã có lúc làm mưa làm bão trong đời sống dân lành hiện nay.

Chỉ cần điểm qua một số nhan đề bài thơ cũng hình dung ra được một phần mặt trái của xã hội, từ sinh hoạt đến công việc: Vỉa hè lại lát, Lấp ao lấp hồ, Hà Thành ngập lụt, Sư rởm, Bầu theo chỉ đạo, À uôm nhân sự, Nối dõi làm quan, Trù kín, Mua chống lưng, Đồng lõa, Biệt phủ quan tham, Sân sau, Về một số ông, bà Nghị, Biệt mộ, Tội ác bạo hành, Về vườn, Ăn đất, Xử oan, Thổi giá, Bức tử loài hoang dã, Buôn bán sản vật cấm, Gặm nhấm công viên, Đặc quyền ngành điện, Cháy, Biến dạng trang phục, Váy áo thủy tinh, Chùa kinh doanh, Tín dụng đen, Buôn người, Nghĩa địa, Phá rừng, v.v.

Ba là, thơ Nghiêm Thanh chủ yếu 3 loại: thơ luật Đường phá cách, thơ lục bát và thơ mỗi khổ 4 câu truyền thống. Nếu tách khỏi nội dung, chỉ xét nghệ thuật câu chữ, sẽ thấy thơ ông khá lưu loát, trơn tru. Tạm nêu một số trường hợp: Leo dần mấy bước lên quan/ Thế là quên phắt cơ hàn năm xưa (Điêu...), Tinh quái giấu mình trong vỏ bọc/ Đeo lon, ngực đính số oai phong/ Khó đoán thạo ngón nghề kiếm chác/ Khôn lường biến ảo thẳng thành cong (Bảo kê), Âm thầm chắp mối cơ duyên/ Chống lưng sắp sẵn túi tiền mà mua (Mua chống lưng), Song hành cùng với phong bì/ Sân sau nước bước, đường đi kỹ càng/ Vừa giàu có, vừa cao sang, Mấy ai biết được ổ hang dối lừa? (Sân sau).

Có thể nêu những cụm câu thơ dài hơn, thí dụ ở bài Chữ ký... "đổi đời"!: Tờ trình từ dưới dâng lên/ Ngoằn ngoèo nét chữ bề trên ký vào/ Thế là vườn tược, hồ ao/ Núi đồi, bến bãi chuyển giao tức thì !// Ngậm bồ hòn buổi chia ly/ Mất quê hương biết tìm về nơi đâu/ Từ nay bặt tiếng mõ trâu/ Cá tôm tuyệt giống, nương dâu lụi tàn. Hoặc ở bài Về một số ông, bà Nghị: Tới khi sắp hết nhiệm kỳ/ Bỗng nhiên chém gió lâm ly, hùng hồn/ Thả lời như thể mưa tuôn/ Con chạch ngắn cũn chê lươn thân dài/ Dẫu cho thất đức, kém tài/ Về vườn vẫn tiếc: Biết ai thay mình ?

Bốn là, phần thơ trào lộng có nhiều xúc cảm trữ tình, rất đời thường, dễ thu phục nhân tâm đối với những người từng trải, đã quá mệt mỏi về chuyện nhân tình thế thái trái ngang. Xin dẫn một bài Tòm tem hóm hỉnh:

Cuối đời thân xác đã hom hem

Máu mê chưa dứt thói tòm tem

Cợt nhả ghẹo trêu bà qua ngõ

Lần mò đón lõng gái đi đêm

Hơi thở phều phào chừng đứt quãng

Ngó lại nhìn qua cặp mắt nhèm

Vẫn mong dai sức dê như cụ

Ân ái triền miên bõ khát thèm.

Và bài Tự thán (phác thảo chân dung), mong được bạn đọc đồng cảm: 

Nỗi niềm nào biết ngỏ cùng ai

Bước đời toàn gặp những chông gai

Công danh trước mặt chưa kịp ngó

Sự nghiệp sau lưng cửa đã gài

Lang thang cầm bút đi đây đó

Hí hoáy văn chương viết mấy bài

Ông xanh cao vậy sao tường được

Trần thế thân ta cứ trượt dài...

Nếu có băn khoăn một chút về nhược điểm của tập thơ, thì phải chăng là tác giả tham nhiều bài. Đã là "tuyển chọn" thì nên bớt đi những sự việc đã cũ, được nói nhiều rồi (thí dụ các bài Đạo văn, Gian thương, Tin vịt, Ngồi lê đôi mách, v.v.). 

Hẳn là bạn đọc đã chân thành đón nhận một tập tuyển thơ vừa ý tác giả, nhưng có thể có người vẫn ngại ngần nếu ông tiếp tục viết khi trên văn đàn, thơ châm biếm - trào phúng ít có điều kiện phát triển. Chúng ta thiết tha mong muốn cuộc sống sẽ mau chóng hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, bắt buộc cái xấu, cái ác phải lui hẳn về dĩ vãng, để nhà thơ không phải đau lòng nữa. Ông còn nhiều việc đang đón đợi, như thơ trữ tình (trong đó có thơ vui), như phê bình nghệ thuật sân khấu chẳng hạn... 

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

CR-V, Sportage, CX-5: Cuộc chiến chạm đỉnh cảm xúc

CR-V, Sportage, CX-5: Cuộc chiến chạm đỉnh cảm xúc

CR-V, Sportage và CX-5 đang tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trong phân khúc crossover cỡ C tại Việt Nam. Với sự khác biệt từ thiết kế, công nghệ đến trải nghiệm lái, mỗi mẫu xe đều chạm đến cảm xúc người dùng theo cách riêng, hứa hẹn làm khó bất kỳ ai khi phải lựa chọn.

Tài sản của các tỷ phú vọt lên mức “không thể tưởng tượng”

Tài sản của các tỷ phú vọt lên mức “không thể tưởng tượng”

Báo cáo mới nhất từ Oxfam cho thấy tài sản của giới tỷ phú toàn cầu đã tăng vọt lên mức 15 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Đồng thời, tổ chức này cảnh báo về sự xuất hiện của năm nghìn tỷ phú trong vòng 10 năm tới, làm nổi bật khoảng cách ngày càng gia tăng giữa giàu và nghèo.