Người thầy văn chương đầu đời của tôi

Lần đầu tôi gặp anh Kim Ngọc Diệu vào năm 1971, khi ấy tôi ở tuổi 18, là một chiến sĩ bộ binh đang luyện tập gấp gáp để bổ sung cho chiến trường. Anh Kim Ngọc Diệu khi ấy ở tuổi 36.

Tuy thời gian dành phần lớn cho thao trường tôi vẫn tận dụng những khoảnh khắc thư thái bắt đầu tập tọng viết văn. Có khi là những phút giải lao ngoài bãi tập, rút mảnh giấy kê lên bao đạn và cầm chiếc bút chì ngồi viết. Có khi ban đêm tôi ngồi gác một mình dưới tháp chuông nhà thờ, tựa súng vào vai, bật đèn pin soi vào trang giấy ngồi viết. Tôi viết cả văn xuôi và thơ. Khi tôi viết được khoảng vài ba cái gọi là truyện ngắn và hơn chục bài thơ, định gửi cho Báo Văn nghệ hoặc Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng chưa thật tự tin cho lắm nên tôi quyết định gửi cho Tạp chí Văn nghệ tỉnh.

Ngày ấy tỉnh quê hương tôi có tên là Nam Hà (sau ngày thống nhất đất nước mới sáp nhập tỉnh Ninh Bình vào thành tỉnh Hà Nam Ninh). Tuy chưa lập Hội Văn học nghệ thuật, anh chị em viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc, vẽ tranh… được biên chế trong Phòng Văn nghệ thuộc Ty Văn hóa, nhưng vẫn xuất bản được tờ tập san có tên là “Văn nghệ Nam Hà”.

Hồi còn học phổ thông, tôi nghe nói nhà thơ Nguyễn Bính, sau vụ giải tán tờ báo Trăm Hoa, ông thất thểu về quê Nam Định được nhà văn Chu Văn nhận làm biên tập hợp đồng cho tờ tập san này. Một lần lên thành phố Nam Định chơi tôi có mua được một tờ. Tôi đóng phong bì tất cả những gì tôi viết gửi theo địa chỉ in trong tập san. Khoảng hai tuần sau tôi nhận được thư hồi âm của người biên tập, đó là anh Kim Ngọc Diệu.

Người thầy văn chương đầu đời của tôi - 1

Nhà văn Lê Hoài Nam (trái) và nhà thơ Kim Ngọc Diệu (phải) năm 1988.

Anh viết cho tôi một lá thư khá dài, với nét chữ rất đẹp; anh nhận xét tất cả những gì tôi viết. Cuối thư anh chốt lại mấy dòng, đại khái “Theo anh, truyện ngắn của em khá hơn thơ. Em nên tập trung vào truyện ngắn, hết lòng vì nó, anh tin em sẽ thành công”. Rồi anh bày cho tôi nên tìm đọc những nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Guy dơ Môpatsăng, Tsekhop, Lỗ Tấn… Kể cả tiểu thuyết anh cũng mách cho tôi nên đọc những ai…

Tôi cầm bức thư ấy đi khoe với mấy đứa cũng yêu văn chương trong đại đội. Những người đồng đội ấy nhìn tôi tỏ ra rất ngưỡng mộ, cứ làm như tôi sắp thành nhà văn đến nơi. Mấy tháng trời qua đi, một hôm tôi nhận được giấy mời tham dự trại sáng tác do nhà văn Chu Văn, trưởng ty, ký. Thời gian ấy tôi đang mê đắm bộ tiểu thuyết Bão Biển của Chu Văn nên tôi tìm mọi cách tranh thủ đại đội trưởng và chính trị viên để được đi dự trại, cũng là để chiêm ngưỡng dung nhan một nhà văn mà tôi mến mộ. Rốt cuộc thì họ cũng đồng ý cho tôi đi. 

Trại sáng tác mở ở nơi sơ tán, đó là ngôi làng có rất nhiều cây cối, ao chuôm thuộc huyện Lý Nhân. Từ nơi đóng quân về đến đấy khoảng hơn 50 ki lô mét. Bây giờ tôi không còn nhớ là tôi đến đó bằng phương tiện gì. Người đầu tiên tôi gặp chính là anh Kim Ngọc Diệu. Sau cái bắt tay rất chặt và những lời niềm nở, anh Diệu dẫn tôi đến gặp nhà văn Chu Văn. Một cuộc tiếp chuyện rất thân mật, cởi mở giữa hai nhà văn và một người lính trẻ diễn ra. Cả hai người đều hỏi chuyện về đơn vị tôi, về gia đình tôi, sau đó cả hai đều giảng giải cho tôi chuyện viết văn như thế nào, từ vốn sống thực tế sáng tạo nên một truyện ngắn phải qua những bước ra sao… Tôi vừa nghe vừa ngắm dung nhan cả hai người. Nhà văn Chu Văn trông rất nho nhã, hơi giống một linh mục. “Hèn nào mà ông mô tả về người công giáo và các cha cố sắc sảo thế”, tôi cứ thầm nghĩ về ông như thế. Còn anh Kim Ngọc Diệu thì trắng trẻo, tóc xoăn, đẹp trai, có những nét giống người châu Âu. Anh thông minh, hiền lành và rất săm sắn, nhiệt tình.

Trại sáng tác tổ chức trong một ngôi làng nên từ người phụ trách như bác Chu Văn, anh Kim Ngọc Diệu cũng đều phải ở trọ trong nhà dân. Bác Chu Văn bảo anh Kim Ngọc Diệu xếp cho tôi một chỗ. Anh Diệu nói:

Lê Hoài Nam ở chung nhà với em, anh nhé!

Nhà văn Chu Văn đồng ý. Đương nhiên là tôi gật liền. Tối hôm ấy hai anh em nói với nhau rất nhiều chuyện. Tôi kể cho anh nghe một số cốt truyện mà tôi định viết. Truyện nào mà có thể viết thành truyện ngắn, anh bổ sung cần phải phát triển theo hướng nào, cần phải bổ sung tình tiết, chi tiết ra sao, và quan trọng nhất là truyện phải chuyên chở được một ý tưởng đặc sắc gì đó để nói với bạn đọc vv và vv. Anh “khai sáng” cho tôi hết “ngón nghề” này sang “ngón nghề” khác. Lần đầu tiên trong đời tôi được một nhà văn giảng cho tôi nghệ thuật viết truyện ngắn kĩ lưỡng đến thế.

Sáng hôm sau, khi thức dậy, trong con người tôi tràn ngập niềm vui và nguồn cảm xúc. Tôi trải thếp giấy lên bàn, bắt đầu đặt bút viết những dòng đầu tiên của một truyện ngắn mà đêm qua hai anh em đã trao đổi hình thành một cái đề cương hoàn chỉnh. Tôi viết đến gần trưa thì có một nhân viên bưu điện xộc đến trao cho anh Kim Ngọc Diệu một bức điện khẩn, yêu cầu tôi phải trở về đơn vị ngay để kịp hành quân đi nhận nhiệm vụ mới. Nhà văn Chu Văn cùng tất cả anh em trong trại sáng tác ngậm ngùi chia tay tôi. Anh Kim Ngọc Diệu tiễn tôi ra tận đường huyện vẫy xe khách cho tôi đi. Anh dặn: “Nam rất có khả năng về văn xuôi. Dù mai đây đơn vị em hành quân đi hướng nào, nếu không có điều kiện sáng tác thì trong đời quân ngũ gặp những chuyện hay, đặc sắc, ghi chép lại, để sau này có vốn mà viết. Nếu chưa phải đi chiến trường thì tranh thủ mua sách mà đọc. Hãy tìm mua những cuốn anh dặn mà đọc trước, em nhé!”.

Sau cuộc chia tay ấy phải tới khi cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ kết thúc tôi mới gặp lại anh. Tôi đến thăm gia đình anh ở 109 Quang Trung – thành phố Nam Định. Chị Ngọc Anh - vợ anh là giáo viên, lại sinh ra trong một gia đình khá giả, có nề nếp nên anh chị rất yêu thương và tôn trong nhau. Bốn con của anh chị là Kim Anh Oanh, Kim Anh Phương, Kim Anh Quang, Kim Anh Quân thông minh và rất ngoan. Chẳng bao lâu gia đình anh đã thành nơi thân thiết để tôi đi về. Lần nào tôi đến thăm, hai anh em lại say mê chuyện sáng tác văn chương, có cái gì ăn anh chị cùng mời tôi. Một lần mẹ tôi từ thị trấn Liễu Đề lên thăm, anh chị coi bà như một người mẹ: cởi mở, trân quý, thịnh tình. Có lần anh chị còn sai cháu Kim Anh Oanh đạp xe về Liễu Đề chúc Tết bố mẹ tôi.

Tôi tái ngũ về Bộ tư lệnh Hải Quân đúng những ngày hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đang diễn ra. Tôi đến chào nhà văn Chu Văn và nhà văn Kim Ngọc Diệu. Anh Diệu viết một bức thư gửi Bộ tư lệnh Hải Quân, giới thiệu tôi là cây bút trẻ triển vọng, bên dưới có hai chữ ký: chữ ký của anh và chữ ký của nhà văn Chu Văn (khi ấy Nhà văn Chu Văn là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh; anh Kim Ngọc Diệu làm Phó Tổng biên tập). Bức thư kẹp trong cuốn Tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh mới đăng một tản văn của tôi. Nhờ bức thư và cuốn tạp chí ấy mà tôi khoác ba lô về Cục Chính trị Hải quân hôm trước, hôm sau được phân công xuống tàu ra quần đảo Văn Hoa.

Trong giấy giới thiệu, Cục Chính trị Hải Quân ghi rõ tôi là “nhà văn”, có nhiệm vụ ra đảo Vạn Hoa sống cùng với những người lính công binh và pháo bờ biển thâm nhập thực tế để sáng tác văn học. Kể từ đó tôi đã bước hẳn vào văn chương, sáng tác không ngừng nghỉ cho đến hôm nay.

Năm 1987, nhà văn Chu Văn đã 65 tuổi, ông có ý định làm Chủ tịch Hội đến hết khóa rồi nghỉ hưu. Ông bắt đầu tìm người kế nhiệm ông lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật. Ông đã chọn tôi. Bác Lê Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội và anh Kim Ngọc Diệu đại diện cho Tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh cũng ủng hộ quan điểm của nhà văn Chu Văn. Họ sang Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh trình bày dự kiến nhân sự. Tỉnh đồng ý, cử Phó Chủ tịch UBND Bùi Thế Bình chuẩn bị công văn rồi mang trực tiếp ra Bộ tư lệnh Hải quân xin cho tôi chuyển ngành về Hội.

Tháng 7 năm 1989, Đại hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh lần thứ ba, nhà văn Chu Văn nghỉ hưu. Tôi được bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm Tổng biên tập tạp chí. Anh Kim Ngọc Diệu làm Uỷ viên thường trực kiêm Phó Tổng biên tập. Chúng tôi làm việc khá nhịp nhàng ăn ý. Đã vào thời kỳ hết bao cấp, tôi, anh Kim Ngọc Diệu, anh Phạm Trọng Thanh, anh Nguyễn Thế Vinh, anh Phạm Như Hà lo cho sự tồn tại của tạp chí khá vất vả. Chúng tôi quyết định đổi tên tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh thành tạp chí Văn Nhân. Chúng tôi đặt quan hệ với Sở Giáo dục đào tạo và một số đơn vị khác để tạo nguồn phát hành, quảng cáo tạp chí. Anh em trong ban biên tập cũng đã có đồng ra đồng vào ngoài lương.

Tôi nói với anh Kim Ngọc Diệu: “Bao nhiêu năm nay anh lo công việc của Hội, của tạp chí mà ít chăm lo cho tác phẩm của mình. Thôi bây giờ anh dành thời gian để viết một cái gì đó cho ra tấm ra miếng đi”. Anh Diệu đồng ý. Tuy thế những chuyến đi thâm nhập thực tế, đi phát hành, quảng cáo anh Kim Ngọc Diệu đều rất hăng hái đi cùng chúng tôi. Đi lần nào về anh cũng viết được một cái gì đó, khi là một truyện ngắn, khi là một bút ký. Chuyến nào có anh Kim Ngọc Diệu cùng đi thường rất vui. Tính anh cởi mở, hòa nhã, có kiến văn vững, khả năng ngoại giao của anh rất khéo. Lúc về mà đường xa, anh thường đọc thơ hài hước khiến anh em trên xe cười nghiêng ngả. Có thể nói, đấy là những ngày tháng vui nhất trong gần hai thập kỷ tôi làm quản lý văn nghệ ở đây.

Năm 1992, tỉnh Hà Nam Ninh tách làm hai, Ninh Bình trở về tỉnh cũ, còn chúng tôi là tỉnh Nam Hà. Tôi và anh Kim Ngọc Diệu vẫn giữ cương vị cũ. Năm 1993, Đại hội Văn học nghệ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức đại hội gửi giấy mời chúng tôi. Tôi bảo anh Kim Ngọc Diệu đi cùng với tôi. Anh Diệu rất vui về điều đó. Lên xe, hai anh em ngồi bên nhau ở hàng ghế sau. Hơn một trăm km đường từ Nam Định ra Hải Phòng, anh Kim Ngọc Diệu nói hết chuyện này sang chuyện khác. Chưa bao giờ anh nói nhiều thế. Chuyện văn chương. Chuyện nhân tình thế thái trong Hội, trong cơ quan. Có cả những câu gở miệng khiến tôi nhớ về chuyện anh viết gở đăng tạp chí Văn Nhân Tết năm đó.

Nghĩa là trước cái ngày chúng tôi đi dự Đại hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng khoảng 9 tháng là áp Tết Nguyên đán, anh Kim Ngọc Diệu gửi cho tôi 2 bài thơ, anh xin được đăng tạp chí Tết. Một bài có tên Uống rượu với Tú Xương, một bài là Đối thoại với Nguyễn Bính. Tôi đọc xong, nói với anh: “Hai bài này rất hay. Có lẽ là hai bài thơ hay nhất trong di sản thơ của anh. Nhưng một bài anh uống rượu với người đã chết, bài kia thì cũng đối thoại với người cõi âm, em thấy nó cứ sái sái thế nào ấy. Anh Kim Ngọc Diệu nói dứt khoát: “Nếu em thấy hay thì anh mừng lắm. Anh đề nghị cứ đăng tạp chí Tết cho anh. Anh không kiêng kỵ gì đâu”. Anh đã nói thế nào tôi dám dừng lại? Bây giờ ngồi trên xe anh lại nói những câu gở miệng, nhìn sang lại thấy mặt anh lúc đỏ gay, lúc lại tái nhợt khiến tôi tự đặt ra câu hỏi: “Liệu sức khỏe của anh có vấn đề gì không?”.

Sau cái hôm đi Hải Phòng về khoảng một tuần, anh Kim Ngọc Diệu cứ thấy tức tức ở ngực, khó thở, anh gọi điện thoại báo tin cho tôi. Tôi gọi điện cho chị Ngọc Anh và cháu Kim Anh Oanh đề nghị phải cho anh đi bệnh viện khám ngay. Lên bệnh viện, người ta khám rồi kết luận: anh bị K phổi, giai đoạn cuối.

Hồi ấy chưa có những loại thuốc trị ung thư tốt như bây giờ. Chỉ sau cái ngày khám bệnh ấy khoảng ba tháng là anh Kim Ngọc Diệu ra đi. Trong những ngày anh nằm xạ trị, chúng tôi thường qua lại chuyện trò với anh. Ngày cuối cùng anh nói với tôi bằng cái giọng đã quá yếu ớt: “Anh ra đi ở tuổi 58, tiếc quá, sự nghiệp còn đang dang dở…”.

Đúng là sự nghiệp của anh đang dang dở. Anh là một người đa tài. Lĩnh vực nào anh cũng hiện diện trong tư cách một tác giả. Anh đã xuất bản truyện thơ Lấn biển đông; tập truyện ngắn Con anh vũ biết nói; một số ca khúc; rất nhiều tác phẩm tranh sơn dầu và thuốc nước. Về thơ anh có khoảng gần 100 bài. Bài nào cũng mang một ý tưởng riêng. Chỉ tiếc ngày ấy làm việc ở hội văn nghệ tỉnh phải xếp hàng, đến lượt mới xuất bản được cho nên gia sản thơ của anh chưa in thành tập. Hẳn cũng vì thế mà anh chưa làm hồ sơ xin kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam. Với tôi, anh mãi mãi là một nhà văn, là một người thầy của tôi, nhất là cái thuở tôi đi những bước chân đầu tiên trên con đường văn chương.

Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất